Nghe âm thanh bài viết qua giọng đọc PTV Phượng Minh và giọng ngâm thơ của các nghệ sĩ Ngọc Thọ, Văn Chương, Vũ Kim Dung tại đây: :
Với nhiều thế hệ thính giả, nhạc hiệu Tiếng thơ đã đi vào trí nhớ, vào tình cảm. Đó là âm thanh đi cùng năm tháng, khó có thể tìm kiếm thay thế. Từ thanh âm ấy mở ra thanh âm của các bài thơ cất lên vào lúc đêm khuya, khi mọi xáo trộn trong ngày lắng xuống, người nghe đối diện với lòng mình, hòa lòng mình vào từng nhịp thơ ca.
Qua hơn nửa thế kỷ, những tiết mục đọc thơ ngâm thơ là một phần không thể thiếu trên làn sóng Tiếng nói Việt Nam, cho thấy sự đặc sắc của thơ ca Tiếng Việt về ngôn ngữ, thanh âm, khả năng diễn xướng.
Góp phần làm nên Tiếng thơ, phải kể đến sự tham gia của các nghệ sỹ trong và ngoài Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngoài tiếng đàn đệm và không gian phòng thu, người nghệ sỹ không sử dụng bất cứ sự trợ giúp nào khác cho giọng đọc giọng ngâm. Vì thế, cùng chất giọng đẹp, truyền cảm, bản thân họ phải có tình yêu với thơ ca, khả năng đọc hiểu văn bản thơ – thứ nghệ thuật ngôn từ đa nghĩa.
Nghệ sĩ Ngọc Thọ trong phòng thu Đài Tiếng nói Việt Nam |
Với nghệ sỹ Ngọc Thọ, 30 năm gắn bó với Tiếng thơ, nhưng bài thơ nào cũng được ông cẩn trọng xem trước văn bản. “Tôi vốn là người yêu thơ, và rất gắn bó với chương trình Tiếng thơ. Cho đến nay tôi cũng được đón nhận nhiều tình cảm của các bạn yêu thơ gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam hoặc gửi trực tiếp đến tôi. Đó là niềm động viên vô cùng lớn lao đối với tôi. Trước giờ thu, bao giờ tôi cũng nghiên cứu kỹ văn bản bài thơ, hiểu ý tình bài thơ, ý tưởng nghệ thuật của tác giả, chỗ nào là trọng tâm, chỗ nào cần tập trung nhấn nhá về ngữ điệu và cảm xúc. Từ đó mình có sự đồng cảm với tác giả. Và món quà rất ý nghĩa đối với tôi là nhiều lần được các nhà thơ khen “Ngọc Thọ hiểu mình quá”! Chỉ một lời ấy thôi cũng khiến tôi vô cùng phấn khởi, động viên thúc đẩy tôi ở những lần thu thanh sau”
Bài thơ qua phần thể hiện của nghệ sỹ, dù đọc hay ngâm cũng đã mang một hình hài khác với văn bản chữ của tác giả, là một hình thức chuyển tải khác, với lối tiếp nhận khác. Mỗi bài thơ được đọc hay được ngâm như thế nào phụ thuộc rất lớn vào sáng tạo cá nhân nghệ sỹ. Thơ chính luận hay thơ lãng mạn, thơ tự do hay thơ vần điệu, thơ ngắn hay thơ dài… Mỗi thể loại, mỗi màu sắc, mỗi cách diễn xuất khác nhau. So với đọc thơ thì ngâm thơ có phần phức tạp hơn.
NSUT Vũ Kim Dung |
Theo NSUT Vũ Kim Dung, người ngâm thơ đa phần tự học, và mỗi người lại có những cách ngâm khác nhau tùy theo quan niệm của mình. Bà nhấn mạnh:: “Ngâm thơ là rung lên thành âm thanh cái tinh ý của thơ, cái nhạc điệu riêng biệt lẩn khuất trong bài thơ, để truyền ý tứ của bài thơ đến người nghe. Người ngâm hoàn toàn có quyền sáng tạo ra một giai điệu đặc biệt, để phục vụ nội dung, tình cảm, nhạc điệu của bài thơ”
“Thơ phải làm sao cho nghĩ thì thấy sâu xa mà nghe thì thấy xúc động”. Cũng theo NSUT Vũ Kim Dung, muốn ngâm một bài thơ, trước hết phải nghiên cứu kỹ càng nội dung bài thơ đó, xem ý tác giả muốn nói gì, câu nào từ nào cần nhấn mạnh, phải phản ánh được trung thực ý tưởng – cảm xúc của tác giả để chuyển tải tới người nghe sâu sắc và lắng đọng. Trong một bài thơ không nhất thiết phải ngâm từ đầu chí cuối. Ta có thể lúc ngâm lúc đọc, tùy sự sáng tạo của bản thân để phù hợp với nội dung và tình cảm của bài thơ, không nên gò bó dập khuôn giống người khác. Các làn điệu kịch hát dân tộc, các làn điệu dân ca vùng miền được vận dụng linh hoạt, phong phú.
Đặc biệt, theo nghệ sỹ ưu tú Văn Chương, các làn điệu chèo rất phù hợp với ngâm thơ. Kinh nghiệm đứng trên sân khấu chèo giúp cho anh xử lý thuyết phục nhiều tình huống trong ngâm thơ. Có hàng trăm làn điệu chèo mang tâm trạng, màu sắc tình cảm khác nhau được vận dụng: vui buồn, hóm hỉnh, hờn giận, chanh chua, nanh ác… Những làn điệu ngâm để bắc cầu cho làn điệu chèo cũng rất phong phú, ví dụ như ngâm sẩm, ngâm tần cung oán, nói sử, ngâm sa mạc, lẩy kiều, hát ví, hát ru…
NSUT Văn Chương trước giờ biểu diễn tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. |
Cũng theo NSUT Văn Chương, trong ngâm thơ, yêu cầu tròn vành rõ chữ được đặt lên hàng đầu. Thơ cổ và thơ hiện đại cần có cách thể hiện khác nhau. Trong thơ cổ, tùy theo nội dung từng bài, từng thể loại, độ dài ngắn của văn bản mà người nghệ sỹ vận dụng các làn điệu khác nhau khi ngâm. Trong thơ hiện đại cũng vậy. Với một bài thơ dài thì có khi ngâm có khi đọc. Với thơ 7 chữ, 8 chữ, 5 chữ, hay thơ lục bát, thơ song thất lục bát…, hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ứng biến, khả năng cảm thụ và kinh nghiệm riêng.
Có thể nói ngâm thơ là hoạt động trình diễn mang đậm dấu ấn riêng, đòi hỏi nhiều năng lực, sự khổ luyện của người nghệ sỹ, mà nếu không nhiệt tình đam mê và tình yêu với thơ ca với tiếng nói dân tộc họ sẽ không thể theo đuổi. Một trong những giọng ngâm thơ được nhiều thính giả yêu mến hiện nay, đó là nghệ sỹ nhân dân Vương Hà. Dù với chị, ngâm thơ là tự học tự luyện, nhưng với khả năng xử lý văn bản thông minh cùng chất giọng đẹp, truyền cảm, nên các bài thơ chị thể hiện đều có nét riêng. Mặt khác NSND Vương Hà cũng đã vận dụng những làn điệu ngâm thơ vào lời ca cải lương trên sân khấu, làm cho vai diễn đầy đặn cuốn hút, có chiều sâu lịch lãm.
Tiếng thơ là thanh âm đẹp đẽ, quý giá, cần được gìn giữ như một tài sản tinh thần trong lòng Tiếng nói Việt Nam, trong lòng tiếng nói dân tộc. Và chắc chắn, theo cách nói của học giả Phạm Quỳnh, thì Tiếng Việt còn, Tiếng Thơ còn, để giãi bày không chỉ cái ngày xưa mà cả cái hôm nay, trước bao bể dâu cuộc đời.