Chu Thu Phương và câu chuyện chuyển ngữ thơ Heinrich Heine sang tiếng Việt

(VOV5) -Dịch văn học Đức sang tiếng Việt là nhu cầu tự thân của Phương. Phương gọi đó là tình yêu.

Một số bài thơ của nhà thơ nổi tiếng bậc nhất nước Đức Heinrich Heine từng được biết đến qua các bản dịch tiếng Việt rất ấn tượng của các nhà thơ Hoàng Trung Thông, Tế Hanh, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh... cách đây hơn nửa thế kỷ. Nhưng phần lớn các bản dịch từ tiếng Pháp, tiếng Nga. Năm 2015, lần đầu tiên, một tập thơ Heinrich Heine được dịch đầy đủ sang tiếng Việt từ nguyên bản tiếng Đức. Chu Thu Phương đã làm điều đó và cho đến bây giờ vẫn chưa có ai vượt qua cô.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Chu Thu Phương kể chị dịch thơ Heine sau cuộc tranh luận văn chương giữa một nhóm nhỏ những người bạn vào năm 2013, khi còn đang làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Đức. Trong cuộc tranh luận về thơ Heine, có những điều Phương cảm thấy mà không thể diễn đạt bằng lời bởi thiếu bản dịch để diễn giải.

Chu Thu Phương và câu chuyện chuyển ngữ thơ Heinrich Heine sang tiếng Việt - ảnh 1Dịch giả Chu Thu Phương và tác phẩm dịch thơ của Heinrich Heine- Ảnh Báo Lao động

Một nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đã chấm dứt những tranh luận đó đơn giản bằng một câu hỏi “Vậy em hiểu thế nào về Heine?”. Phương mất hơn một năm trời để trả lời câu hỏi đó.

Phương chia sẻ: “Tôi chọn cuốn nổi tiếng nhất của Heine - “Sách của những bài ca”. Lúc đầu, Phương chỉ dịch một vài bài trong đó, xong cảm thấy không đủ để chứng minh, không lột tả được cái mình cảm nhận được từ Heine: một giọng thơ bình dị, dân dã và rất dễ đi vào lòng người. Thế rồi để chứng minh, Phương cứ dịch ngày càng nhiều lên, và những bản dịch dần dần tập trung vào chùm thơ “Khúc đệm trữ tình”. Cái đẹp của tập này trước hết là về ngôn ngữ. Ngôn ngữ của nó rất là giản dị, dễ hiểu, bình dân. Ví dụ như là: Thôi xin đừng thề thốt, cứ hôn thôi, tin sao nổi, đàn bà! Hoặc là câu: Nếu tôi hôn lại môi em, tôi sẽ khỏe mạnh hoàn toàn. Có nghĩa là nó còn chưa cho ta cảm giác đó là thơ, cho nên mọi người cũng có phê phán ông ấy về việc này. Nhưng mà một ông giám khảo khác, một nhà phê bình văn học của Đức, thì lại nói rằng. Tuy rằng đúng là như thế, nhưng đó lại chính là điểm làm cho Heine trở nên nổi tiếng".

Chu Thu Phương và câu chuyện chuyển ngữ thơ Heinrich Heine sang tiếng Việt - ảnh 2Bìa tập thơ 

Trong mấy tuần liền, cứ hết giờ làm việc là Phương dịch “Khúc đệm trữ tình”. “Dịch thô hết tập thấy như hụt hơi, cảm tưởng dịch thêm 1 ngày nữa chắc là mình chết mất”  – Phương cười kể lại. Quá trình hoàn thiện tập thơ 67 bài này kéo dài hơn một năm.

Dịch thô xong tập thơ, để hiểu rõ hơn về con người Heine, Phương đã tới thành phố Marburg tìm gặp giáo sư dạy văn học Đức Guenter Giesenfeld và bà Marian Ngo, là các dịch giả dịch văn học Việt Nam ra tiếng Đức. Suốt hai ngày trời, họ không lúc nào ngừng bàn luận về Heine, trao đổi về cách thức dịch Heine sang tiếng Việt.

 Phương còn tới thành phố Duesseldorf, quê hương của Heine, để tìm hiểu về ông. Một cơ may nữa, Phương được làm việc với Tiến sỹ âm nhạc Nguyễn Văn Nam. Anh Nam hướng dẫn Phương tỉ mỉ về nhạc tính đậm nét trong thơ Heine. Phương cho biết:"Tính nhạc điệu, ngôn ngữ, từ ông dùng có màu âm rất đẹp thì làm sao mà chuyển được về tiếng Việt, đó là cả một vấn đề. Tôi giữ nguyên được tất cả cách chơi chữ, cách gieo vần và độ dài của thơ ông".

Một số bài thơ trong tập “Khúc đệm trữ tình”, do Chu Thu Phương dịch, vừa được nhóm Đông Kinh cổ nhạc phổ nhạc truyền thống của Việt Nam và biểu diễn trong chương trình diễn xướng thơ Heinrich Heine tại Viện Goethe hồi tháng 8/2017. Nhà thơ Nguyễn Duy chia sẻ: "Chu Thu Phương học ở Đức, am hiểu văn hóa Đức, am hiểu văn học Đức. Trước đây có nhiều người dịch thơ Heine nhưng dịch qua tiếng Pháp. Chu Thu Phương dịch trực tiếp từ tiếng Đức. Tôi đọc và cảm thấy đó là bản dịch rất tốt. Cái việc chuyển cho Đông Kinh cổ nhạc hát thơ Heine là một bất ngờ đối với tôi."

Vốn yêu văn thơ, trước đây Phương cũng đã từng thử sức với việc dịch một số bài thơ Đức của Goethe, hay Brecht…

Dịch văn học Đức sang tiếng Việt là nhu cầu tự thân của Phương. Phương gọi đó là tình yêu. Vì Phương được sống và được nuôi dưỡng trong quan hệ Đức -Việt nên Phương có nhu cầu làm chiếc cầu nối liền mối quan hệ giữa hai nước, hiện tại và trong cả tương lai.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác