Chuyện Trương Chi

(VOV5) - "Với bài hát suýt nữa thì quên ấy, cậu đã giúp mình đặt được chân xuống mảnh đất này..."

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ của những ca khúc Chảy đi sông ơi, Hồ trên núi, Trên đỉnh Phù Vân vv...vừa chia tay cõi tạm...

Câu chuyện của dịch giả, họa sĩ Trịnh Lữ, như một dòng nhớ về những phút giây giao cảm đẹp đẽ giữa hai người bạn – hai người nghệ sĩ đồng điệu tâm hồn.

Mọi chuyện bỗng như làn nắng nhẹ - “từng làn nắng cũng mang điệu dân ca”. Phương vãng sanh về miền âm nhạc của quê mình thật rồi. Chắc Phương thương tôi yếu đuối, nên bao lần tôi định đến thăm anh mấy tháng qua, mà chả lần nào đi được. Tiễn Phương trong tâm tưởng, tôi chỉ thấy những hình ảnh và ấn tượng đẹp nhất trong hai lần anh em có thời gian tâm sự với nhau.

Chuyện Trương Chi - ảnh 1Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Ảnh tư liệu. 

Lần đầu chắc là năm 1968, Hà Nội vẫn bom đạn. Chúng tôi cùng từ nhà 14 Bát Đàn ra đón xe khách, tôi thì trở lại nơi sơ tán của đại học Mỏ Địa chất ở Thuận Thành, còn Phương thì về một nông trường nào đó xa hơn nhiều. Đường phố vắng tanh. Vừa đi, Phương vừa tiếp tục giảng giải cho tôi về mấy loại nhịp điệu trong âm nhạc. Hồi đó tôi đang đọc về vị thế của từng nốt trong một quãng bẩy, thấy mỗi một quãng giống như một vòng đời. Phương khuyên tôi không nên lạc sang triết luận, mà nên tập xướng âm cho thật thành thạo. Lúc nói đến nhịp “sanh-cốp”, Phương nắm lấy tay tôi, bóp mạnh bóp nhẹ theo nhịp ấy, cất giọng hát theo rất nhẹ nhàng, và đưa mắt nhìn tôi thật trìu mến. Cho đến giờ tôi vẫn có thể làm sống dậy giây phút giao cảm đẹp đẽ ấy, bàn tay ấm lên hẳn hoi.

Vậy mà 38 năm sau, tôi mới có dịp gặp lại và hàn huyên với Phương. Cuộc tái ngộ ấy tôi đã ghi chép lại, gọi là Chuyện Trương Chi, là một trong vài câu chuyện về những trải nghiệm của tôi khi trở về Hà Nội sau gần hai mươi năm xa nhà. Giờ xin được chia sẻ tiễn đưa Phương.

Lúc ấy tôi mới về nước được vài tuần, còn đang ngỡ ngàng như Từ Thức về làng. Anh đãi tôi một chầu bia hơi, rồi mời tôi về căn nhà anh đã xây lại thành mấy tầng lầu. Trong nhà bày nhiều bình bát cũ mới, một số gươm đao thật giả lẫn lộn, nhiều tượng gốm và tranh vẽ cảnh yêu đương. Người vợ trẻ có vẻ khép nép. Cậu con trai có gia sư đến kèm học tiếng Anh. Chị vợ nướng bánh mỳ phết bơ cho chúng tôi ăn lúc đã khuya. Anh hát, hoặc vặn CD cho tôi nghe những bài anh viết trong những năm tôi xa nhà. Có bài Trương Chi, nghe sân hận, bất cần, khác hẳn với hình tượng Trương Chi giản dị trong câu truyện xưa. Nhiều bài khác kín đáo bày tỏ tâm tư sâu kín của anh về thời cuộc. Lại có những bài muốn tỏ cái tâm hướng về hư vô. Lối hát thường giữ theo lề thói ca trù và dân gian chứ không theo lối Tây như phần đông các ca khúc mới bây giờ.

Tôi tò mò ngồi nghe cho đến gần một giờ sáng thì anh bảo à, còn bài này nữa. Và đó chính là bài hát khiến tôi có được mẩu chuyện này. Một bài hát giản dị: Con sông quê tôi, nước như làn da mầu hồng, ông bà cha mẹ vẫn gọi là dòng sông Cái. Cây lúa cây nhãn lớn lên trên đất sa bồi, ngọt ngào như chẳng thấy ở đâu... Còn tôi, tuổi xuân mênh mông bốn phương trời, mải mê những bến bờ xa xôi, bỗng một chiều đứng chết lặng bên dòng sông Cái... Gió sông mẹ lại thổi trong lòng tôi... Gió cánh buồm lồng lộng hồn quê... Tôi không kìm được nước mắt. Đêm như mở ra, rạng rỡ một tâm trạng yên bình. Anh vẫn thực là chàng Trương Chi mà tôi vẫn biết, chàng Trương Chi với mảnh hồn yêu giản dị, chung thuỷ, không oán hận, không thèm muốn gì khác ngoài việc hát lên tấm tình ngàn đời, tấm tình sống mãi trong hồn cây cỏ và sông nước, bên trên những biến thiên vụn vặt của thế sự tham lam. Anh đã cho tôi thấy lại hồn quê, thấy lại vạt cỏ xanh mà tôi đã rời xa bấy nhiêu năm ngay tự trong tâm tưởng. Anh đề tặng tôi cái CD đó: “Chút sản vật quê, tặng người quê mình”.

Chuyện Trương Chi - ảnh 2Bốt Hàng Đậu, Hà Nội trong tranh của họa sĩ Trịnh Lữ. 

Tôi nói với anh lúc chia tay sáng sớm hôm sau: mình đã gặp bao nhiêu người, ai cũng chỉ hỏi chuyện tiền nong đất cát làm ăn, còn cậu chỉ hát cho mình nghe, và với bài hát suýt nữa thì quên ấy, cậu đã giúp mình đặt được chân xuống mảnh đất này. Sau đó, tôi mới biết anh đã thành tác giả rất nổi tiếng. Hồn quê quả thực là một cái gì đó không thể mai một được. Tâm mình có liên lạc được với cái hồn quê mênh mang kia thì cuộc đời mới tiết lộ lí do của nó. Bổn phận là ở mình, chứ đâu ở quê hương.

Lạ một điều, nghĩ đến Phương, tôi chỉ hay nhớ đến lời ca bình dị nhất của Anh: “…từng làn nắng cũng mang điệu dân ca…” Chàng Trương Chi của tôi, nơi nào chàng đến cũng sẽ có tiếng hát của chàng, và nắng mưa sẽ đều thành làn điệu ca từ đẹp đẽ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác