Đạo diễn Phan Đăng Di: Giới làm phim bị ảnh hưởng rất nhiều trong đại dịch, nhưng vẫn có sức bật trở lại

(VOV5) - "Quyết tâm của chúng ta với điện ảnh như thế nào, có nhìn điện ảnh như một sức mạnh mềm của Việt Nam hay không, để có những sự đầu tư hoặc có những quyết sách dũng cảm và đúng đắn hay không...?"

Năm 2021 là một năm đầy khó khăn của điện ảnh Việt Nam. Dù có phim Bố già lập kỷ lục hơn 400 tỷ đồng, phim Lật mặt: 48h đạt trên 150 tỷ đồng, nhưng cũng gần 7 tháng rạp phim cả nước không hoạt động…

Đạo diễn Phan Đăng Di trả lởi phỏng vấn với những góc nhìn của anh về điện ảnh Việt Nam năm 2021.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Đạo diễn Phan Đăng Di: Giới làm phim bị ảnh hưởng rất nhiều trong đại dịch, nhưng vẫn có sức bật trở lại - ảnh 1Đạo diễn Phan Đăng Di - Ảnh: Fb nhân vật

PV: Thưa đạo diễn Phan Đăng Di, anh đánh giá như thế nào về điện ảnh Việt Nam năm 2021 vừa qua, một năm mà dịch bệnh cũng đã gây ảnh hưởng không chỉ trên thế giới mà cũng rất nặng nề ở Việt Nam?

Đạo diễn Phan Đăng Di: Thực ra tôi nghĩ năm 2021 là năm khá đặc biệt, không chỉ vì covid. Tất nhiên covid cuối cùng làm cho tất cả không chỉ điện ảnh mà các hoạt động khác cũng bị đình trệ rất nhiều. Đặc biệt ngành làm phim chịu ảnh hưởng rất lớn, ở chỗ cả hệ thống sản xuất cũng như hệ thống phát hành hầu như tê liệt suốt hơn nửa năm trời. Sau khi chuyện đó diễn ra mình mới thấy được về nhân sự, nhân lực - những con người đang làm trong ngành điện ảnh cũng rất thiếu cơ chế để được bảo vệ hoặc cũng không có được những Hiệp hội có thể giúp đỡ những lúc khó khăn. Thành ra hầu hết người làm phim, đặc biệt là những người làm ở vị trí lương thấp có cuộc sống rất khó khăn.

Tất nhiên trong tổng thể bức tranh chung của năm 2021 điều này cũng không phải là cái gì quá ngoại lệ, quá đặc biệt, nhưng cũng để nhắc chúng ta một điều, là có lẽ chúng ta đang xây dựng điện ảnh trên một cái nền còn thiếu sự vững chắc. Làm sao để nhìn trước những rủi ro? Sau trận dịch, cho thấy mọi thứ đang ở trạng thái rất chắp vá và thiếu hẳn một tầm nhìn cũng như thiếu hẳn một sự vận hành khoa học cho nền điện ảnh này như một nền công nghiệp.

Và trong đó vấn đề nổi lên, đáng quan tâm nhất là gì?

Đạo diễn Phan Đăng Di: Cho đến thời điểm này tôi nghĩ một số vấn đề đã được nói đi nói lại trong rất nhiều năm qua, liên quan đến kiểm duyệt, liên quan đến việc sử dụng ngân sách sao cho tốt, liên quan đến việc xây dựng một chiến lược để nền điện ảnh Việt Nam, việc quản lý điện ảnh Việt Nam tiến dần tới khuyến khích sự phát triển và kiến tạo để phát triển, giống như lời của Chủ tịch Quốc hội nói trong cuộc họp chuẩn bị cho việc đưa Luật điện ảnh sửa đổi ra trước Quốc hội để lấy ý kiến. Tôi thấy tinh thần kiến tạo phát triển đã không có trong tất cả những chiến lược chúng ta đang xây dựng. Mọi thứ đang dừng lại ở mức vẫn như cũ, hầu hết là như vậy.

Đặt trong bối cảnh cuộc cạnh tranh rất lớn của các nền điện ảnh, đặc biệt là những hình thức phổ biến điện ảnh của nước ngoài - những nước có nền điện ảnh tiên tiến đã vào Việt Nam, vào từng hộ gia đình, cũng như cuộc cạnh tranh điện ảnh toàn cầu đã ở mức mà hầu như không ai có thể đứng ngoài cuộc được nữa rồi. Tất cả những hiện trạng đó của nền điện ảnh Việt Nam, một hiện trạng chưa sẵn sàng để thay đổi cũng như chưa vạch ra được một con đường có thể phát triển được hoặc mở ra những cơ hội hoặc mở cửa thông thoáng hơn. Tôi nghĩ nếu chúng ta không quyết liệt trong thời điểm này, rồi đây thị trường điện ảnh Việt Nam sẽ càng lép vế trước sự cạnh tranh của nước ngoài.

Trong tình hình như vậy, cũng như hiện nay đại dịch vẫn còn đang tiếp diễn, thế nhưng có thế thấy là các đoàn phim Việt đã bắt đầu rục rịch sản xuất trở lại?

Đạo diễn Phan Đăng Di: Trong bức tranh chung như vậy, tôi cũng nhìn thấy được bên cạnh những cái chúng ta chưa làm được, thì chúng ta cũng thấy những nhân tố mới, cũng như vẫn thấy được dòng chảy của điện ảnh độc lập. Tuy là chúng ta chưa có hiện diện rất là mạnh mẽ, rất là rõ nét như các nền điện ảnh trong khu vực Đông Nam Á hoặc châu Á, ở trên sân chơi quan trọng của thế giới. Nhưng chúng ta đã bắt đầu có sự lên tiếng và chúng ta bắt đầu có những tác phẩm. Mà những tác phẩm đó thú vị ở chỗ nó làm cho phạm vi biểu đạt của điện ảnh rộng hơn.

Ngoài ra tôi cũng thấy, tuy trong một thời điểm rất khó khăn như vậy thì các nhà làm phim, đặc biệt những nhà làm phim trẻ thì họ vẫn có được một  ý thức, vẫn tiếp tục nghĩ ra những dự án. Năm vừa qua là năm cuối cùng chương trình Liên hoan phim Locarno dành cho các nước Đông Nam Á, Việt Nam một lần nữa lại có sự hiện diện khá đông đảo với các dự án, với những gương mặt đạo diễn trẻ để có thể đi chào dự án. Và chúng ta cũng có những phim ngắn lại tiếp tục gây được dấu ấn ở các LHP của thế giới.

Một điều mà tôi xúc động, là cũng có sự tương hỗ lẫn nhau của những người làm nghề để giúp nhau vượt qua những thời điểm khó khăn trong đại dịch. Có rất nhiều những chương trình quyên góp được tổ chức để giúp đỡ những người làm trong ngành điện ảnh gặp khó khăn trong đại dịch. Tôi cũng thấy sau khi mọi thứ mở cửa trở lại thì tất cả các đoàn phim lại tiếp tục lên đường đi quay. Và giới làm phim dù bị ảnh hưởng rất nhiều với đại dịch, nhưng họ vẫn có một sức bật trở lại.

Và tôi hy vọng rằng thời gian sắp tới đây là thời gian mà chúng ta sẽ dần dần hồi phục và chữa lành vết thương của đại dịch. Những tiếng nói âm thầm hoặc là những gương mặt mới vẫn có thể tiếp tục làm phim, tiếp tục có những tác phẩm để chúng ta có thể giới thiệu ra thế giới cũng như trong khu vực của điện ảnh nội địa.

Tôi cũng chờ đón bắt đầu sự xuất hiện của những nền tảng phát hành trực tuyến ở Việt Nam cũng bắt đầu có sự xuất hiện của nội dung trả tiền. Ví dụ Netflix tôi nghe nói họ bắt đầu chú ý đến thị trường Việt Nam. Và tới đây có thể họ sẽ đầu tư sản xuất một số những dự án ở Việt Nam. Điều đó cho thấy cơ hội vẫn có ở đó. Cái quan trọng nhất là cuối cùng chúng ta nhìn cơ hội đó như thế nào. Ở tầm mức của các cơ quan quản lý và thậm chí chúng ta phải nhìn ở một tầm mức cao hơn -  của Chính phủ - thì quyết tâm của chúng ta với điện ảnh như thế nào, có nhìn điện ảnh như một sức mạnh mềm của Việt Nam hay không, để có những sự đầu tư hoặc có những quyết sách dũng cảm và đúng đắn hay không.

Tôi vẫn tin rằng, dù sao đi nữa trong thời điểm hiện tại giới làm phim cũng không dừng lại và đặc biệt là những tài năng trẻ, những người bắt đầu tìm được hướng đi riêng, họ vẫn tiếp tục con đường của họ. Và chí ít trong tương lai gần chúng ta có thể hy vọng rằng tiếng nói của điện ảnh Việt Nam ít nhất là có thể có một sự sắc nét hơn và được nghe nhiều hơn trong phạm vi quốc tế.

Xin cảm ơn đạo diễn Phan Đăng Di về cuộc trò chuyện này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác