(VOV5) - Thực tế công tác trong ngành công an đã giúp họ tích lũy vốn sống để có những trang văn gần gũi với cuộc đời
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bảo vệ bình yên cuộc sống và sáng tác thơ văn, hai công việc đặc thù tưởng chẳng có chút liên quan. Ấy vậy nhưng có những người lính trẻ thuộc lực lượng vũ trang Nhân dân lại có năng khiếu viết văn, làm thơ và kiên trì theo đuổi niềm đam mê không dành cho những người sớm thối chí. Những sáng tác của họ cũng đầy đặn cảm xúc, để nhớ trong lòng người đọc, người nghe.
Tiếp nối thế hệ các nhà văn, nhà thơ đi trước, ngày hôm nay những tác giả thuộc lực lượng Công an nhân dân có thể kể đến như Hoàng Anh Tuấn (công an tỉnh Lào Cai), Trần Lê Anh Tuấn (công an thành phố Tuy Hòa – Phú Yên), Phan Đức Lộc (công an huyện Tuần Giáo – Điện Biên), Trần Ngọc Mai (công tác tại Trường Đại học An ninh Nhân dân), Võ Chí Nhất (công an huyện Củ Chi (TPHCM)…
Trung úy, nhà văn Phan Đức Lộc. |
Theo trung úy, nhà văn Phan Đức Lộc (sinh năm 1995), mới được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam năm vừa rồi, thực tế công tác trong ngành công an đã giúp anh tích lũy vốn sống để có những trang văn gần gũi với cuộc đời.
Anh chia sẻ: "Đối với riêng tôi, nghề nghiệp công an và văn chương luôn có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Tôi được đào tạo chuyên ngành hình sự của Học viện Cảnh sát nhân dân và sau này đi làm, khi tiếp xúc với các loại tài liệu, hồ sơ các vụ việc, vụ án cũng như là thực tiễn công tác cảnh sát khu vực nắm hộ, nắm người đã giúp tôi trang bị được rất nhiều kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm và đó chính là nguồn cảm hứng để tôi hoàn thành các tác phẩm viết về đề tài Công an nhân dân như là tiểu thuyết “Tuyết đỏ”, các truyện ngắn Mùa hoa pa bát, Thung lũng mưa…Tôi được tiếp xúc, gặp gỡ với rất nhiều nguyên mẫu mà trong họ luôn có những cốt truyện, câu chuyện để cho tôi khai thác và làm đầy thêm cho tác phẩm của mình".
Vừa hoàn thành nhiệm vụ đơn vị, tổ chức giao phó, vừa là người con, người chồng, người cha trong gia đình, đong đếm sao hết những nỗ lực trong cuộc sống của người chiến sĩ công an nhân dân.
Tuổi thơ của thiếu tá - nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, hiện công tác tại Công an tỉnh Lào Cai là những năm tháng theo cha – cũng là một chiến sỹ công an, đến nhiều vùng đất nhận các nhiệm vụ công tác. Ký ức về cha đong đầy trong trái tim, trong thơ anh dù cho ông đã qua đời và con đường nhà thơ Hoàng Anh Tuấn đang lựa chọn luôn thấp thoáng hình ảnh của người cha, một Chiến sĩ Công an nhân dân bình dị.
Thiếu ta, nhà thơ Hoàng Anh Tuấn |
"Khi tôi lên 3 tuổi thì bố đưa tôi lên nơi công tác là công an thị xã Yên Bái khi đó vì nhà rất nghèo mà mẹ tôi còn phải nuôi em nhỏ. Vì thế, suốt tuổi thơ tôi được gần bố, gắn bó với bố. Có rất nhiều kỷ niệm về bố mà suốt đời tôi cũng không thể quên được thí dụ như bố đã từng làm công an ở các phường, mỗi khi chuyển công tác thì bố sẽ đưa tôi đến ngôi trường mới, xin cho tôi học ở đó để tiện chăm sóc, đưa đón. Trước đây vào mỗi buổi chiều, bố tôi thường hay đạp xe và khi bố đã qua đời thì chiếc xe vẫn còn, hàng ngày tôi vẫn đạp chiếc xe đó trên con đường bố đã đi. Khi nào nghĩ về bố luôn luôn trào dâng cảm giác xúc động, lúc này trong thơ sẽ là những khoảng trống, một khoảng lặng mà suốt đời không bù đắp được. Nghề nghiệp tôi đang theo đuổi cũng chính là con đường mà bố đã mở ra cho chính mình và tôi sẽ nguyện suốt đời đi theo con đường bố định hướng và phù hợp với năng lực, sở trường của mình" - Hoàng Anh Tuấn nói.
Năm ngoái, cuộc thi sáng tác thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức đã thu hút đông đảo công chúng, người viết, người yêu thơ cả nước tham gia gửi bài dự thi. Trong số 1.500 bài thơ của hơn 600 tác giả, Ban giám khảo đã lựa chọn được 72 bài thơ vào vòng chung khảo. Những tác giả, tác phẩm được xướng danh trong 11 giải thưởng chính thức và 5 tặng thưởng của cuộc thi đã khẳng định sự quan tâm với thế sự của các nhà thơ đã thành danh cũng như le lói hi vọng về triển vọng những tác giả mới, trong đó có những tác giả công tác trong lực lượng Công an nhân dân.
Đại úy, nhà thơ Trần Ngọc Mai. |
Đại úy Trần Ngọc Mai, sinh năm 1988, cán bộ Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học, Trường đại học An ninh nhân dân có chùm thơ được trao giải Ba. Chứng kiến những nỗ lực của người chiến sĩ công an nhân dân trên tuyến đầu chống dịch, hoàn cảnh bản thân bị nhiễm Covid không thể ngăn trở anh viết nên những câu thơ đầy xúc động: "Hoàn cảnh gia đình tôi có nhiều người ở tuyến đầu chống dịch. Bản thân tôi là một cán bộ công an, trong lúc bị nhiễm Covid đi chữa trị ở bệnh viện dã chiến ở Thủ Đức thì tôi có thời gian nghiền ngẫm lại những chuyện xảy ra ở Sài Gòn với gia đình, đồng đội, bạn bè. Trong thời điểm dịch dã thì những gia đình ở tuyến đầu xáo trộn rất nhiều, có nhiều nỗi niềm, câu chuyện khác. Tôi đã kể lại những câu chuyện ấy bằng thơ".
Viết để ghi lại những trải nghiệm, những suy tư về cuộc sống. Viết văn, làm thơ còn mang lại chút thu nhập và đặc biệt là những niềm vui bất ngờ với chính bản thân tác giả, các chiến sĩ công an nhân dân. Trong kỷ niệm mà trung úy, nhà văn Phan Đức Lộc kể lại lấp lánh hạnh phúc của một người viết, khi tác phẩm của mình đã đến được với những người cần đến, cần trao gửi: "Ở nơi tôi đang công tác bà con nhân dân rất thích đón nghe chương trình “Đọc truyện đêm khuya” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Có một lần khi xuống bản để tuyên truyền pháp luật thì có một cụ già nhìn rất lâu vào biển tên trước ngực tôi và hỏi “Cháu có phải là tác giả câu chuyện Thung lũng mưa mới được Đài phát cách đây mấy hôm không và khi biết tôi là tác giả thì cụ rất là vui. Câu chuyện nhỏ đó chính là động lực để tôi tự nhủ bản thân mình nghiêm túc hơn, chỉn chu hơn trong hành trình sáng tác văn chương có rất nhiều khó khăn, thử thách này. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để cống hiến những tác phẩm về đề tài miền núi, đề tài người Công an nhân dân và những đề tài khác hấp dẫn, thú vị đang chờ khai thác".