Đối thoại giữa múa đương đại và các loại hình nghệ thuật khác

(VOV5) - Một tác phẩm múa đương đại còn là sự kết hợp và đối thoại của rất nhiều yếu tố nghệ thuật khác như âm nhạc, điện ảnh, văn học, hội họa…

Múa đương đại là loại hình nghệ thuật múa kết hợp giữa các yếu tố khiêu vũ hiện đại và ballet cổ điển thể hiện cảm xúc bay bổng và phát tiển khả năng sáng tạo. Trong nghệ thuật múa đương đại, những mối quan tâm tới các vấn đề xã hội và điều kiện tinh thần của con người được thể hiện. Để diễn đạt được điều đó, một tác phẩm múa đương đại còn là sự kết hợp và đối thoại của rất nhiều yếu tố nghệ thuật khác như âm nhạc, điện ảnh, văn học, hội họa… và cả những chi tiết nhỏ của đời sống thường nhật. 

Đối thoại giữa múa đương đại và các loại hình nghệ thuật khác - ảnh 1 Từ trái sang phải: Trương Uyên Ly, Sébastien Ly, Đỗ Hoàng Thi Ngọc, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Duy Thành. - Ảnh: hanoigrapvine.com

Ra mắt công chúng Việt yêu nghệ thuật vào tháng 4 vừa qua, vở múa Ngưỡng cửa lãng quên của nghệ sĩ múa người Pháp gốc Việt Sébatien Lý nhận được sự đón nhận vô cùng nồng nhiệt. Anh tâm sự khi múa anh thường múa trong yên lặng vì bản thân cơ thể chuyển động đã nói lên câu chuyện rồi. Sau đó anh nghĩ rằng múa cần tương tác với một loại hình khác để thể hiện câu chuyện tốt hơn. Kể từ đó anh luôn cố gắng kết hợp múa với ít nhất một loại hình nghệ thuật khác. Anh bắt đầu kết hợp múa với hình thức thị giác như múa ở các bảo tàng nghệ thuật ở Paris. Còn tương tác múa với âm nhạc, Sébatien kể lại: “Lần đầu tiên khi tôi sử dụng âm nhạc trong các tác phẩm múa, tôi đã cộng tác với các nghệ sĩ biểu diễn ngay tại chỗ. Với hình thức cộng tác này, nó gần giống như sự song tấu giữa các chuyển động của múa và các âm thanh của âm nhạc. Khi tôi múa thì sẽ không có âm nhạc và khi có âm nhạc tôi sẽ không múa, hai người trình diễn như vậy sẽ như một tác phẩm song tấu”.

Đối thoại giữa múa đương đại và các loại hình nghệ thuật khác - ảnh 2 Một cảnh trong Ngưỡng cửa lãng quên

Trong tác phẩm Ngưỡng cửa lãng quên, khán giả có lẽ sẽ vô cùng ấn tượng với một đoạn khi các diễn viên lần lượt đọc một số mảnh giấy – do khán giả viết lúc vào cửa và những diễn viên khác múa trên nền tiếng đọc đó. Nội dung của những mảnh giấy là kỷ niệm của các khán giả về ông bà mình. Những dòng hồi ức tuôn trào tương tác cùng chuyển động của các nghệ sĩ đã tạo nên sự kết nối với công chúng vô cùng mãnh liệt.

Đối thoại giữa múa đương đại và các loại hình nghệ thuật khác - ảnh 3Nghệ sĩ Sebatien Lý trả lời phỏng vấn

Sebatien Lý bộc bạch:  “Khi mang đến sân khấu những đoạn văn và vũ đạo, giống như đang chia sẻ những thứ ẩn sâu bên trong. Ví dụ khi bạn nghe thấy ai đó nói chuyện, bạn có thể tưởng tượng được về những gì người đó đang nói đến, và khi bạn thấy những chuyển động của cơ thể diễn viên múa, bạn cũng đặt trí tưởng tượng vào cơ thể họ. Cùng một lúc khi bạn lắng nghe thấy những từ ngữ và chuyển động của cơ thể, trí tưởng tượng trong bạn dường như còn rộng mở hơn rất nhiều”.

Đối thoại giữa múa đương đại và các loại hình nghệ thuật khác - ảnh 4 Một cảnh trong Hạn hán và cơn mưa -  Ảnh: Trần Tiến Dũng

Trong khi múa đương đại đã được thực hành từ rất lâu trên thế giới, tại Việt Nam, cho tới tận thập kỷ 90 của thế kỷ trước, loại hình nghệ thuật này hầu như vẫn còn rất xa lạ với cả công chúng cũng như những nghệ sĩ trong nghề. Trả lời cho câu hỏi kể từ khi nào múa đương đại kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác ở Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn, với nghệ danh Sơn X nhớ lại sự hợp tác đầu tiên với nghệ sĩ múa người Pháp gốc Việt, Ea Sola Thủy Nguyễn vào năm 1994: “Lúc đó hầu như tôi không có thông tin gì, ngoài về các nước XHCN. Thời đó còn chưa có Internet và khi Thủy về làm việc đó là một sự khá bỡ ngỡ, bởi chúng tôi chưa từng làm việc với một loại múa như thế. Cá nhân tôi, tôi bị hấp dẫn bởi cách làm việc như thế bởi vì trước đây thông thường những đạo diễn Việt Nam hay minh họa các động tác để diễn viên làm theo. Còn Thủy sống cùng người nông dân và đưa câu chuyện đó vào chuyển động”.

Đối thoại giữa múa đương đại và các loại hình nghệ thuật khác - ảnh 5  Một cảnh trong Hạn hán và cơn mưa -  Ảnh: Trần Tiến Dũng

 Đó là trong vở Hạn hán và cơn mưa, một vở múa được các nghệ sĩ trong nước đánh giá là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của múa đương đại. Hạn hán và cơn mưa đã lưu diễn trên 14 nước châu Âu đã tạo được dấu ấn của múa Việt Nam với thế giới. Và ở trong đó, các nghệ sĩ đã sống cùng những người nông dân ở Thái Bình và đưa những chuyển động đời thường của họ lên sân khấu. Những hình thức nghệ thuật khác cũng được sáng tạo và truyền cảm hứng từ quá trình sống thực tế đó.

Nghệ sĩ Nguyễn Xuân Sơn chia sẻ thêm: “Cách làm việc với các nhạc công cũng khác. Lúc đó làm việc cùng với các nhạc công vững về âm nhạc truyền thống. Thủy cũng chỉ đưa ra tưởng tượng về không gian, và những người nghệ sĩ đó sẽ đưa ra âm nhạc của họ, lúc đó cùng với nhau tìm cách để mix vào. Ngay kể cả lời thơ, lúc đó nhà thơ Nguyễn Duy sống cùng với những người làm việc ở đó, hàng ngày xem múa nghe nhạc và viết lời. Tương tác ngay cả phần ánh sáng cũng vậy, những người làm ánh sáng, âm thanh, sân khấu họ sống cùng với nhau, lúc đó chúng tôi sống khoảng 6 tháng tại Thái Bình và thưc hiện vở đó”.

Đối thoại giữa múa đương đại và các loại hình nghệ thuật khác - ảnh 6Một tiết mục của Nguyễn Duy Thành trong Hanoi Dance Fest 2019 

Còn đối với nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành, khác với các nghệ sĩ đàn anh, là đại diện của thế hệ diễn viên múa trẻ, tiếp xúc với múa đương đại từ sớm. Vốn là một vũ công hip-hop thành công, đạt được rất nhiều giải thưởng hip-hop trong nước và quốc tế. Có cơ duyên tiếp xúc với biên đạo múa Trần Ly Ly, quyền giám đốc Nhà hát Vũ kịch hiện nay và quan điểm của chị: “Đương đại là sử dụng tất cả những gì có thể để thể hiện bản thân” đã khiến anh phá vỡ hoàn toàn những gì được gây dựng trong suốt thời gian trước đó để xây nên một cá tính nghệ thuật mới. Từ đó đến nay Duy Thành đã tham gia hợp tác với nhiều nghệ sỹ múa đương đại. Nguyễn Duy Thành cho biết việc tương tác với công nghệ chính là yếu tố mà anh thường xuyên đưa vào các tác phẩm của mình, và đó gần như đã trở thành một đặc điểm nhận dạng nghệ sỹ, chẳng hạn như sự hợp tác với nhóm sản xuất âm nhạc ANNAM và VJ Tùng Crazy Monkey.

“Anh Tùng có dùng 2 camera ở sân khấu và bắt hình mình và chuyển hiệu ứng hình ảnh. Mình có ý tưởng là mình và mọi thứ xung quanh đều giống nhau, kể cả về khoa học và cấu trúc vật chất đều là nguyên tử giống nhau, trong triết học phương Đông tất cả đều là một thôi. Và mình – diễn viên múa sẽ vừa đối nghịch và liên kết với nhạc của nhóm An Nam Cổ Nguyệt, mang rất nhiều màu châu Á vào visual của anh Tùng" - Nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành tâm sự.

NSƯT Thái Phiên, Trưởng ban Lý luận phê bình Hội nghệ sĩ múa Việt Nam từng nhận định: “Sự có mặt của múa đương đại đã làm phong phú, đa dạng thêm cho nghệ thuật múa nước nhà. Các tác phẩm múa đương đại đã đáp ứng xu thế thời đại”. Hơn thế nữa, sự tương tác của múa đương đại cùng các loại hình nghệ thuật khác đã tạo nền nguồn cảm xúc bất tận cho khán giả và cũng là mảnh đất màu mỡ để các nghệ sĩ tự do trong sáng tạo nghệ thuật.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác