Festival truyện tranh lần thứ 3

(VOV5)- “Festival truyện tranh tại Việt Nam là hoạt động thường niên bắt đầu từ năm 2010 do Nhà xuất bản Kim Đồng, Phái đoàn Wallonie Bruxelles tại Việt Nam phối hợp tổ chức. Lễ khai mạc Festival truyện tranh tại Việt Nam lần thứ III sẽ được tổ chức thứ Sáu ngày 1/6 tại Thư viện Hà Nội.

Festival truyện tranh lần thứ 3 - ảnh 1

Năm 2012, “Festival truyện tranh tại Việt Nam lần thứ III” được tổ chức với các hoạt động: Hội thảo về truyện tranh, Triển lãm truyện tranh “Từ ý tưởng đến tác phẩm truyện tranh” (Việt Nam), “Du hành trong nền nghệ thuật thứ 9: truyện tranh của Wallonie Bruxelles”, Workshop về kĩ năng sáng tác truyện tranh. Buổi Hội thảo về truyện tranh với sự tham gia của ông Jean Auquier, Giám đốc Trung tâm Truyện tranh Bỉ. Hội thảo xoay quanh các chủ đề: “Lịch sử ra đời truyện tranh”; “Văn học, truyện tranh và phim”; “Từ tác giả tới người đọc truyện tranh”.


Triển lãm “Du hành trong nền nghệ thuật thứ 9 : Truyện tranh của Wallonie-Bruxelles” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Wallonie-Bruxelles International thực hiện với sự hỗ trợ của Trung tâm Truyện tranh Bỉ giúp người xem khám phá hoặc khám phá lại hơn 40 tác giả bậc thầy của Làng Truyện tranh Bỉ, thuộc Wallonie hay Bruxelles, của tất cả các thế hệ. Họ chính là hình ảnh phản ánh đẹp và thú vị sức sáng tạo và sự năng động của Wallonie-Bruxelles.

 

Tại những khu vực sử dụng tiếng Pháp của Bỉ (Cộng đồng WALLONIE-BRUXELLES), truyện tranh, vẫn thường được gọi là nghệ thuật thứ 9, là một thể chế thực sự! Phần lớn các gia đình của đất nước này đều có một bộ sưu tập hay một tủ sách riêng về truyện tranh, hơn một nửa lượng sách được xuất bản hay sản xuất tại Bỉ đều là những album truyện tranh, đặc biệt hơn nữa, gần một nghìn họa sĩ vẽ truyện tranh và tác giả kịch bản đã khiến  Wallonie-Bruxelles trở thành xứ sở của truyện tranh từ gần một thế kỷ nay.


Truyện tranh của Bỉ, khởi nguồn chỉ xuất hiện trong các tờ báo và tạp chí, đã phát triển không ngừng với các hình thức phát hành khác nhau, thành những album truyện tranh bìa cứng in 4 màu rất đẹp, đây là hình thức phát hành phổ biến của tất cả các truyện tranh thành công nhất. Hiện nay, các hình thức phát hành truyện tranh rất đa dạng. Trao đổi văn hóa và các phương tiện sản xuất không ngừng được phát triển đã giúp cho tất cả các định dạng của truyện tranh đều có thể cùng hiện diện tại các cửa hàng sách. Và nếu như các cửa hàng sách vẫn là cầu nối giữa tác giả sáng tạo và độc giả, các tác phẩm đã bước vào thế giới điện ảnh và thế giới công nghiệp ảo một cách thành công.


Các chủ đề được đề cập tới trong truyện tranh của Wallonie và Bruxelles phản ánh muôn mặt đời sống xã hội, hiện thực của xã hội cũng như những hình dung mong đợi về xã hội đó, quả thực vô cùng đa dạng, phong phú. Phiêu lưu và lịch sử, hài hước và huyền diệu, hiện thực và hư cấu, tất cả được đan quyện với nhau trong tác phẩm của các trào lưu mới, theo chủ nghĩa ấn tượng hơn hoặc thử nghiệm, thường được xuất bản với số lượng hạn chế, ví dụ như truyện tranh tiểu thuyết.


“Từ ý tưởng tới tác phẩm truyện tranh” là triển lãm với hơn 30 bức tranh của 11 tác giả là các họa sĩ trẻ Việt Nam. Các họa sĩ đồng thời là những tác giả kịch bản truyện tranh. Đây đều là những tác phẩm được  sáng tác  riêng cho triển lãm lần này. Với chủ đề tự do, các họa sĩ được thỏa sức hiện thực hóa  các ý tưởng tâm đắc  thành tác phẩm. “Từ ý tưởng đến tác phẩm truyện tranh” là một bước đi chuyên nghiệp trong việc sáng tác truyện tranh. Giới hạn trong 6 trang - tương đương với một truyện tranh ngắn hoàn chỉnh các họa sĩ các ý tưởng đã thể hiện mối quan tâm của các họa sĩ đến rất nhiều vấn đề xã hội. Đó là vấn đề môi trường trong “Mưa lớn” của Nguyễn Thế Linh, đó là vấn đề ước mơ và hành động trong “Mũm” của Lại Hiền Lương, “Biển cấm” của Đỗ Thái Thanh, vấn đề tình yêu  trong «Egg’s love» của Trần Hương… Các tác giả đã hiện thực hóa các ý tưởng thông qua các câu chuyện có nhân vật, có tình tiết, có cao trào đủ sức hấp dẫn độc giả đến những nét vẽ cuối cùng. “Giải thoát” của Lê Mạnh Cương là một truyện tranh phản gián với chuỗi hành động và âm mưu nối tiếp, “Không lường trước» của Tạ Lan Hạnh gây bất ngờ bởi mô tip thám tử vụng về và khách hàng gian xảo. đã được giải quyết theo cách «gieo nhân nào gặt quả ấy”.

 
Lật giở lại lịch sử Festival truyện tranh tại Việt Nam, trong lần thứ nhất năm 2010 các họa sĩ Việt Nam được gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm sáng tác với họa sĩ Bỉ gốc Việt Vink (Vĩnh Khoa) và cùng sáng tác 1 bộ poscard chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tại Festival lần thứ 2 năm 2011, một hội thảo về kĩ năng sáng tác kịch bản truyện tranh đã diễn ra với các chuyên gia Bỉ và Canada.


Đến Festival lần thứ 3 này các họa sĩ Việt Nam mới có thể trưng bày một triển lãm truyện tranh đúng nghĩa. Điều đáng ghi nhận hơn cả là các họa sĩ đã triển khai các tác phẩm của mình theo cách chuyên nghiệp hơn.

 
Hội thảo về kĩ năng sáng tác trong khuôn khổ Festival lần thứ 3 này sẽ tập trung vào chính các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm này. Hai chuyên gia Bỉ sẽ đưa ra những nhận xét của họ về các tác phẩm và đó sẽ là kinh nghiệm vô cùng quý báu cho các họa sĩ Việt Nam. /.

Phản hồi

Các tin/bài khác