Giêng hai hoa bưởi

(VOV5)- Sau đôi ba ngày mưa xuân lướt thướt, trời hửng lên, người làng quê ngoại thành thấy hoa bưởi gần như bung nở đồng loạt ở tất cả các các khuôn viên từ sang trọng đến bình dân, từ người giàu đến kẻ nghèo khó trên một vùng rộng lớn châu thổ sông Hồng.

Giêng hai hoa bưởi  - ảnh 1
Hoa bưởi trắng tinh khôi, hương thoang thoảng dịu nhẹ mà khó quên - Ảnh: afamily.vn

Tôi không biết còn có một loài hoa nào thôn dã hơn, thân gần gắn bó với người Việt “sinh ra từ làng” hơn là loài hoa bưởi với hương thơm thảo nồng nàn khi cây to hoa nở rộ, với hương thơm thanh thoát khi cây nhỏ đứng đơn lẻ côi cút một mình bên bờ ao, góc vườn. Còn nhớ thời chống Mỹ cứu nước, bài thơ nói về hai người cuối phố, hai gia đình nghèo cửa sổ dường như không bao giờ đóng, mùa hoa bưởi nở hoa đưa hương từ nhà này bay sang nhà kia, từ trái tim người con gái  ven đê với người nhà kia “ngày mai có người ra trận” ngày mai có người đi xa . Bài thơ khởi hứng từ hoa bưởi ấy lại được giai điệu dặt dìu lâng mạn của ca khúc tung cánh sóng lên trời góp phần làm nên tên tuổi nhà thơ Hà Nội Phan Thị Thanh Nhàn.

Mà thời đó đâu chỉ có đôi trai gái trong thơ của bà Phan Thị Thanh Nhàn mang hương bưởi trong tim! Biết bao nhiêu chàng trai cô gái những năm đất nước có chung khuôn mặt, có chung nụ cười  người ra trận “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” chia lửa với chiến trường miền nam mang tâm cảm thi vị trữ tình thơm hương hoa bưởi. Hương hoa bưởi không xa lạ với người Việt mà còn có gì đó gắn bó, quen thuộc  vào hàng nhất nhì với người sinh ra  ở một làng quê Bắc Bộ nào đó.

Tôi quen với hương bưởi thơm thoảng theo gió đông đem mưa xuân về ở một làng quê kinh bắc cũ đất chật người đông, khuôn viên nhà nhà đều đều xê xích nhau không đáng kể chừng trên dưới mười thước bắc bộ nghĩa là trên dưới trăm mét vuông. Nên khi đừng giữa một khu vườn ba sào trồng hàng trăm gốc bưởi, hàng vạn mét vuông toàn bưởi là bưởi giống không  cao vống con sào mà chỉ nhỉnh hơn đầu người một chút, hoa đang nở rộ vây quanh người “khách xa gặp lúc mùa xuân chín” như khu vườn nhà ông Hoàng Trọng Văn trên đất cổ Loa Thành, thì với tôi quả là quá hi hữu.

Giêng hai hoa bưởi  - ảnh 2
Trước đây hoa bưởi được các bà, các mẹ, các chị cho vào đun cùng với bồ kết để gội đầu. - Ảnh: Nam Nguyễn/ Khám phá


Sự tích, có thể nói như vậy về ba sào đất thuộc diện đất hương hỏa của họ Hoàng xóm Nhồi - một tên xóm dân dã khiến người ta liên tưởng đến con ốc Nhồi dưới ao đầm, ruộng trũng đồng chiêm, cũng đáng ghi nhận lắm. Đất hương hỏa của họ, gia đình dòng trưởng họ cha truyền con nối có trách nhiệm cao quý là sản xuất ra lộc thực trên khuôn viên đó để lấy kinh phí tu bổ nhà thờ họ, hương khói tổ tiên quanh năm, lo lắng rằm ba tết bảy theo mỹ tục của làng Việt ngày xưa. Nghe kể rằng ngày chính sách hợp tác hóa nông nghiệp đang được triển khai rầm rộ đầu thập kỷ sáu mươi thế kỷ trước dưới luật đề tự nguyện, ông nội của nguyên thầy giáo Hoàng Trọng Văn dứt khoát không tự nguyện hiến ruộng vào hợp tác. Cái lý của cụ đưa ra thời đó là “tôi không dám nhờ hợp tác nuôi ông cháu tôi, ông cháu tôi xin là cấy hái trồng trọt trên thửa ruộng hương hỏa họ Hoàng này để nuôi nhau”. Tính người Cổ Loa thẳng thắn, cả quyết, đôi khi cực đoan trong ứng xử với đời với người với việc, đã nói là quyết giữ lời.

... Lần lữa mãi, cuối cùng cũng đến thời khoán ruộng, cũng đến thời có nhà báo đồng nghiệp của tôi ở cơ quan tuyên truyền  gọi khoán mười là ông thần khoán! Nhờ có ông thần khoán ấy mà cả nước vượt qua cửa ải hai mươi mốt triệu tấn lương thực góp phần quan trọng bậc nhất đẩy lùi nạn đói âm thầm dai dẳng hàng thập niên sau ngày đất nước toàn thắng về ta! Nhờ cái ông thần hiển thành do những đầu óc lãnh đạo gần dân gần đời không khệnh khạng quan liêu xơ cứng nghĩ ra, chủ trương chịu trách nhiệm mở đường cho nông dân mà thành, khởi sự đầu  là nhân vật được đúc tượng đồng dựng bia đá giữa đất trời trung du như huyền thoại tên là ông Kim Ngọc trên đất Vĩnh Yên.

Anh giáo rồi ông giáo và bây giờ có người bồng bế con cháu đã trịnh trọng gọi cụ giáo Hoàng Trọng Văn xóm Nhồi Cổ Loa hơn tôi bốn tuổi xem như cùng trang lứa, từ ngày ấy cứ năm này tháng nọ mùa kia trông nom cày xới ba sào đất hương hỏa họ Hoàng. Ông bỏ công cải tạo từ ruộng cấy với trồng mầu thu hoạch chả đâu vào đâu thành vườn bưởi Diễn nổi tiếng, cây đều nhau không cao, tán xòe rộng, cho những mùa quả ngon ngọt nổi tiếng. Ông tặng tôi một cây giống chiết cành đã hạ thổ đủ ngày vẫn con đeo phơ phất cả hoa lần nụ. Đánh vật  mấy tiếng đồng hồ, tôi  loay hoay cuốc xới đào xúc cải tạo vạt đất vườn cằn cỗi để có được một “chỗ đứng” phong quang đáng kể cho cây quý ngày xuân. Mệt bã người ! Mới  cảm thấy cái công sức ông bạn già của tôi bỏ ra là to lớn,là bền bỉ kiên nhẫn biết bao trong bấy nhiêu năm trời dầu dãi mưa nắng mới có được thành quả xứng tầm, đáng gọi là “thú điền viên” đệ nhất đất cổ địa linh. Ai không biết nơi làng quê này sinh thành huyền thoại tiên xây thành ốc cùng tình yêu thủy chung như nhất của người Việt mang tên Mị Châu con vua An Dương Vương

Mấy thước vườn tạp quang quẻ hẳn sau khi tôi đã chặt bỏ cây ổi lỗi thời, cây sung tùy hứng mọc, cây xoài đã bị sâu đục thân để trồng cây bưởi lấy về từ đất cổ Loa Thành, từ tình bạn  già quen biết cũng chưa lâu nhưng trân quý nhau theo cách của người ở làng. Lững thững ngắm chùm hoa nhỏ sót lại trên cánh chiết nép dưới tán lá xanh non, đâu phải tôi cố tình thi vị hóa mà thực sự  thấy lòng thanh thản. Thanh thản mơ tưởng về những  mùa xuân sau vào cữ tháng giêng qua tháng hai tới này hoa bưởi nở từng chùm. Để đứng đâu ngồi đâu trong khuôn viên chật chội tám thước vuông đất cũng thấy thoảng một mùi hương thanh tao, dịu nhẹ…

Phản hồi

Các tin/bài khác