(VOV5) - Hai kiến trúc sư trẻ của Việt Nam đã đóng góp ý tưởng thiết kế về một mô hình nhà ở giá rẻ, dễ làm cho người dân Tây Phi.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Kiến trúc sư Đào Văn Quân và Ngô Thế Quang (cựu sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) là hai gương mặt vừa đoạt giải thưởng đồ án xuất sắc của Cuộc thi ý tưởng thiết kế sinh viên trong khuôn khổ Đại hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) năm nay.
Với đồ án “Co-Living” dành cho người dân bản địa ở Burkina Faso – một quốc gia ở Tây Phi, thuộc vành đai chống sự xâm lấn của hoang mạc Sahara, hai kiến trúc sư trẻ của Việt Nam đã đóng góp ý tưởng thiết kế về một mô hình nhà ở giá rẻ, dễ làm cho người dân nơi đây.
KTS Đào Văn Quân tại lễ trao giải trong khuôn khổ Đại hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) tháng 7 vừa qua. - Ảnh: kienviet.net |
Đề bài mà Liên hiệp Hội Kiến trúc sư Quốc tế đưa ra cho các sinh viên kiến trúc trên thế giới là thiết kế nhà ở giá rẻ trong khu vực sinh sống dài 8000 km và rộng 16 km trải dài trên vùng sa mạc Sahel-Savanah, từ Dakar đến Djibouti ở Châu Phi. Đây cũng là nơi có khí hậu khô hạn, khan hiếm nước và đang bị đe dọa mất an ninh lương thực.
Theo đó, các sinh viên kiến trúc sẽ thiết kế một ngôi nhà bền vững có thể chứa tối đa 25 người, dành cho cụm dân cư khoảng 5 gia đình sinh sống. Ý tưởng của hai kiến trúc sư trẻ Việt Nam là Đào Văn Quân và Ngô Thế Quang là một không gian mang tính quần tụ, sắp xếp so le theo mái nhà chạy dài, được xây dựng bằng gạch nung hoặc đá tổ ong, những vật liệu dễ tìm tại địa phương.
Đáng lưu ý, nước mưa thu từ mái nhà sẽ được sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt cơ bản của người dân bản địa, có thể tái sử dụng cho nông nghiệp: "Chúng tôi chọn ra những khối chức năng thiết yếu nhất và sắp xếp theo kiểu so le để làm sao đáp ứng được không gian ở của một gia đình. Các chức năng này được sắp xếp dưới một mái lớn và chạy theo chiều dài. Mái còn có thể tích nước vào mùa mưa. Trước nhà lớn sẽ tạo thành một không gian cộng đồng sinh hoạt, các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi sẽ diễn ra trước khu ở của mình."
Kiến trúc sư Đào Văn Quân |
KTS Đào Văn Quân triển khai ý tưởng này khi còn là sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Anh thường xuyên theo dõi thông tin về biến đổi khí hậu cũng như cuộc sống người dân ở Châu Phi.
Trước đồ án “Co-Living”, Đào Văn Quân đã tham gia 7 cuộc thi thiết kế khác. Dành thời gian và công sức cho đồ án “Co-Living”, hai bạn trẻ đã chấp nhận lùi thời gian làm đồ án tốt nghiệp đại học. Và tin vui đã đến với anh cùng người bạn của mình khi là một trong 5 nhóm kiến trúc sư đoạt giải ý tưởng thiết kế sinh viên Great Green Wall của Liên hiệp Hội Kiến trúc sư Quốc tế lần thứ 29, vượt qua 150 đồ án của các sinh viên đến từ 49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
"Nếu nói về việc định hình đường đi của mình với kiến trúc thì tôi chưa biết tương lai sẽ như thế nào. Nhưng thông qua cuộc thi này đã định hình cho tôi cách giải quyết vấn đề, cho dù đó là chủ đề biến đổi khí hậu hay chủ đề về Châu Á hay Châu Âu thì việc giải quyết vấn đề vẫn được đặt lên ưu tiên hàng đầu, thay vì cách tiếp cận bằng lý thuyết kiến trúc hay tiếp cận bằng cách trang trí. Tôi đã lọc ra từng vấn đề và giải quyết. Trong đồ án này tôi giải quyết vấn đề tích nước vào mùa mưa và đặt mọi người trong một không gian sinh hoạt chung." - KTS Đào Văn Quân nói.
Khó khăn của nhóm tác giả là những cản trở về địa lý: không gian thiết kế với những đặc điểm về địa hình, khí hậu, văn hóa bản địa… ở một nơi mà những kiến trúc sư trẻ như Đào Văn Quân và Ngô Thế Quang chưa có cơ hội đặt chân đến.
Hai kiến trúc sư sinh năm 1999 vốn là sinh viên của Xưởng 5-Khoa Kiến trúc (Bộ môn Thiết kế nhà ở), Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội- nơi luôn tạo điều kiện khuyến khích các sinh viên tham gia các cuộc thi thiết kế trong và ngoài nước.
Đồ án Co-Living của hai KTS Đào Văn Quân và Ngô Thế Quang. |
Theo KTS Lâm Khánh Duy, phụ trách Xưởng 5 nhận định: Đề xuất về một cụm nhà ở giá rẻ với sự kế thừa tinh thần bản địa và hướng tới lối sống bền vững của các kiến trúc sư Đào Văn Quân và Ngô Thế Quang đã thuyết phục được hội đồng giám khảo, được vinh danh tại Copenhagen (Đan Mạch) trong tháng 7 vừa qua. Ý tưởng của các tác giả thể hiện sự quan sát và tiếp cận đầy nhân văn cho một không gian ở với sự tham gia của cộng đồng và mang dáng dấp của một trong những kĩ thuật truyền thống của người dân ở Burkina Faso (Châu Phi):
"Đây là một đề xuất, gợi ra nhiều giải pháp thông minh và mang ý nghĩa thực tiễn cho một vấn đề không hề dễ dàng: nhà ở cho những nơi có điều kiện khắc nghiệt. Không phải lần đầu tiên các sinh viên- tân kiến trúc sư Việt Nam được vinh danh trên đấu trường quốc tế nhưng với tôi đây là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của các bạn, đã được ghi nhận bởi một Hiệp hội kiến trúc uy tín hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, điều này cũng chứng tỏ môi trường đào tạo tại Việt Nam có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng trên đấu trường quốc tế. Thành quả này cũng ghi nhận những đóng góp của hệ thống đào tạo theo xưởng của Đại học Kiến trúc Hà Nội. Có thể đâu đó sẽ có vài sự bất ngờ khi tên của 2 bạn được xướng lên ở Đại hội Kiến trúc quốc tế Copenhagen năm 2023 nhưng với chúng tôi đó là hệ quả của một chiến lược xuyên suốt mà Xưởng 5- Khoa Kiến trúc đã xây dựng với tinh thần khai phóng." - KTS Lâm Khánh Duy cho biết.
KTS Đào Văn Quân có nhiều ấn tượng với hình ảnh những người dân trong bộ lạc Châu Phi ngồi dưới tán cây rộng. Điều đó khiến anh nhớ về những người dân quê mình với cây đa đầu làng vào mỗi sáng sớm hay những buổi đi làm đồng về. Ý tưởng thiết kế một không gian đủ lớn cho những nhóm dân cư đang chịu nhiều thua thiệt và chịu tác động mạnh mẽ của biến đối khí hậu dường như là sự góp sức của các kiến trúc sư trẻ để giải quyết một bài toán chung về không gian ở cũng như những vấn đề dân sinh ở khắp nơi trên trái đất này.