Khi đại sứ viết tiểu thuyết tình yêu

(VOV5)- Trong khuôn khổ các hoạt động tọa đàm, giao lưu tại Hội sách TPHCM lần 8, tối 27/3, tại Nhà hoạt động chuyên đề 1, Công viên Lê Văn Tám, TPHCM, đã diễn ra buổi ra mắt tiểu thuyết “Phía sau mỗi người” của đại sứ Italia tại Việt Nam Lorenzo Angeloni.

Khi đại sứ viết tiểu thuyết tình yêu - ảnh 1

Đây là cuốn tiểu thuyết tình cảm lãng mạn kể về mối tình của hai nhân vật Giorgio và Michi diễn ra trên bối cảnh thành phố Roma nước Ý. Đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế về văn học, đây là một trong những tác phẩm văn học hiện đại châu Âu được Nxb Trẻ giao dịch tác quyền và giới thiệu với bạn đọc cả nước thời gian qua.

Những đồng cảm văn hóa

Theo chia sẻ của ông Lorenzo Angeloni, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam, muốn tìm hiểu về văn hóa của quốc gia nào, một trong những cách tốt nhất là người ta nên tìm đọc tiểu thuyết của nước ấy.

Trước khi sang Việt Nam nhận nhiệm vụ làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền, ông Lorenzo Angeloni cũng đã làm như thế.

Và thật thú vị khi ông tìm ra rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa giữa hai quốc gia Italia – Việt Nam. Những điểm ấy ông đã thấy trong văn học nghệ thuật với những đề tài chung về tình yêu, gia đình, đất nước.

Ông Lorenzo Angeloni chia sẻ, sau cuốn sách đầu tay “Phía sau mỗi người”, ông dự định sẽ viết tiếp một cuốn sách nói về ẩm thực đường phố của Việt Nam trong tương quan so sánh với ẩm thực đường phố tại đất nước mình.

Hành trình đến với văn chương

Một vị đại sứ viết văn, lại là viết tiểu thuyết, dĩ nhiên không phải quá lạ, nhưng cũng không thật nhiều trong xã hội trước nay. Lorenzo Angeloni gây ấn tượng với bạn đọc chính ở bước gia nhập đầu tiên với địa hạt chữ nghĩa, mà xét về mặt thực tiễn, vẻ như ông là người ngoại đạo.

Lorenzo Angeloni tốt nghiệp ngành Luật năm 1981 tại đại học Perugia và bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của mình tại Bộ ngoại giao Italia năm 1985. Từ năm 1996, ông bắt đầu kết hợp các hoạt động ngoại giao của mình với sáng tác.

Thực sự thì Lorenzo Angeloni yêu văn chương từ bé. Ông may mắn khi tình yêu đó được bạn bè và những người thân xung quanh ủng hộ, khuyến khích. Tuy nhiên, suốt thời gian đầu làm việc tại ngành ngoại giao, công việc chủ yếu của ông là viết các báo cáo.

Kế đó là những bài luận bàn về các vấn đề xã hội. Dĩ nhiên, với một nhà ngoại giao, bước chuyển này đã là một giai đoạn phát triển mới khác trước nhiều.

Theo chia sẻ của Lorenzo Angeloni, năm 2007 đã đánh dấu một sự kiện đáng kể dẫn tới bước ngoặt văn chương của ông. Đó là khi ông kết thúc nhiệm kỳ làm đại sứ tại Sudan và phải viết một báo cáo đặc biệt.

Bản báo cáo đó buộc ông phải nói về những câu chuyện thương tâm của những người dân ở đất nước Sudan. Và rồi ông nhận ra, mình cần phải viết một cái gì đó thuộc về con người để ai ai cũng có thể chia sẻ.

Đó cũng là thời điểm ông nhận ra cuộc đời mình đi vào một giai đoạn khó khăn khác khi phải chuyển từ các báo cáo sang dạng thức văn chương mới là tiểu thuyết!

Sự nhọc nhằn với ông thể hiện ở sáu lần viết lại tiểu thuyết “Phía sau mỗi người”. Ông Lorenzo Angeloni hài hước khi nhớ lại lần đầu tiên người biên tập viên hỏi ông sau khi đọc bản thảo lần đầu: “Này, bây giờ thì ông phải quyết định đi, ông định để nó là một báo cáo hay viết nó thành một cuốn tiểu thuyết đây?”

Hành trình khám phá chính mình

Với một cuốn tiểu thuyết khoảng 150 trang khổ nhỏ, người đọc nhanh có thể chỉ cần dành một giờ đồng hồ là hết. Có lẽ vì thế, những người tới dự buổi ra mắt sách của ông Lorenzo Angeloni đã kịp thời có những cảm nhận ban đầu về tác phẩm.

Nhà văn Trần Thanh Hà (tác giả cuốn Vũ điệu tử thần) cho rằng, chị ấn tượng với bút pháp kể chuyện của ngài đại sứ. Tuy “Phía sau mỗi người” là một tiểu thuyết lãng mạn nhưng lại không đi vào kể chuyện tình yêu. Hành trình của nhân vật trong tác phẩm không phải là hành trình khám phá tình yêu, mà là khám phá chính mình.

Cũng theo chị Trần Thanh Hà, chị tâm đắc với nhiều câu văn trong tác phẩm. Theo chị, rất nhiều trong số đó khi đọc lên chúng đem lại nhiều suy ngẫm ý vị như những châm ngôn sâu sắc.

Tác giả cuốn Vũ điệu tử thần cho rằng, đây là cuốn sách không dễ đọc. Người ta không chỉ đọc một lần mà có thể đọc đi đọc lại nhiều lần. Mỗi lần đọc lại là một lần lắng nghe mình.

Còn với nhà văn Di Li, trong tư cách người dẫn chương trình đồng hành cùng dịch giả Hồ Hồng Ân, cô cũng chia sẻ những cảm nhận thú vị của cuốn sách. Cô cho rằng, cảm xúc thành thực quá đỗi thuyết phục người đọc ở những bức thư khiến cô “hồ nghi”, liệu có đúng chúng là những tưởng tượng của ngài đại sứ không, hay là một phần riêng tư nào đó ông đã trải qua.

Về mặt hình thức, một cuốn tiểu thuyết dung lượng mỏng, cách xuống đoạn nhẹ nhàng, câu văn ngắn, tốc độ, ngôn từ hoạt, uyển chuyển, đó là những dấu hiện cho thấy, người viết thực sự chú ý tới thói quen thưởng thức văn chương của đối tượng độc giả hiện nay.

Cũng không thể không ghi nhận sự thành công trong lối chuyển ngữ của dịch giả Hồ Hồng Ân, phó trưởng khoa Văn hóa và Ngôn ngữ Italia Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM./.

Phản hồi

Các tin/bài khác