(VOV5) - Những tác phẩm nghệ thuật đương đại của nhóm 16 nghệ sĩ đã khiến khu vực ven sông Hồng khang trang sạch sẽ và mang đậm hơi thở nghệ thuật.
Ở kỳ trước, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn đã chia sẻ những thông tin cơ bản về dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân. Đây là Dự án Nghệ thuật ở Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm Hà Nội với những tác phẩm sử dụng nguyên liệu tái chế đã tạo nên diện mới mới cho khu vực này. Tại khu vực phố Phúc Tân ven sông Hồng, nơi người ta vẫn thường chỉ nghĩ về nó mặt sau của thành phố, nơi mà cách đây nửa năm vẫn còn là những bờ bãi bẩn thỉu với rác rưởi… giờ đây cuộc sống người dân đã khác trước rất nhiều.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bối cảnh mà đề bài đặt ra là bức tường được xây dựng cách đây chừng 20 năm với mục đích ban đầu là để chống lấn chiếm bờ bãi sông Hồng. Khoảng 250m còn lại của bức tường cũ đã trở thành một không gian để 16 nghệ sĩ trong và ngoài nước phô diễn năng lực và thoả chí sáng tạo.
Tác phẩm "Thuyền" của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông làm từ 10.000 chai nhựa |
Với chiều dài hơn 10m và cao 3,5m, nhiều người có lẽ sẽ ấn tượng với tác phẩm Thuyền của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông. Bốn con thuyền được làm từ hơn 10.000 vỏ chai nhựa mà Vũ Xuân Đông đã kêu gọi thu thập 3 tháng trước khi bắt tay vào thực hiện tác phẩm. Những con thuyền với những làn sóng lô nhô gợi nhắc về một miền ký ức xa xưa đối với người dân vùng ven sông. Những ngày buôn bán, sinh hoạt tấp nập trên bến, dưới thuyền ở ngay bến sông Hồng là điều Vũ Xuân Đông muốn nhắc đến trong câu chuyện hôm nay. Nghệ sĩ Vũ Xuân Đông chia sẻ thêm: “Trước khi quyết định vật liệu để tạo ra tác phẩm này, tôi nghĩ ngay đến chai nhựa. Thực ra nhiều nghệ sĩ trên thế giới và đã thành công. Chai nhựa là một vật đặc trưng trong xã hội tiêu dùng, tôi thấy hình thể đó có sẵn, thiết kế rất đẹp. Chất liệu vừa tạo hình vừa có thể sử dụng ánh sáng được. Đặc biệt những chai nhựa trong và nhựa màu”.
Tác phẩm của họa sĩ Lê Đăng Ninh |
Ở một mảng tường khác, trên nền 20 chiếc thùng phuy, sử dụng công nghệ cắt khắc xuyên thủng bằng laser kết hợp chiếu sáng bằng đèn LED, nghệ sĩ Lê Đăng Ninh kể lại câu chuyện về những ngôi nhà nổi của bãi giữa sông Hồng. Dường như anh đem đến một cái nhìn nhân văn và cũng đầy xót xa về những góc khuất trong cuộc sống của những người dân ngụ cư nơi bãi giữa sông Hồng. Nghệ sĩ Lê Đăng Ninh bày tỏ:“Tôi muốn khán giả và chính người đã từng sống trên không gian ấy họ cảm nhận về nơi họ đã từng sống. Tôi có làm hai cái tay để mọi người để mọi người có thể rung lắc, và hệ thống lò xo cũng có thể làm rung lắc. Khi thành phố lên đèn những ngôi nhà lênh đênh trên dòng nước không khác du thuyền. Tôi cảm nhận được sự ba chìm bảy nổi của những người dân trên những ngôi nhà ấy. Họ dường như chưa thuộc về thành phố dù họ ở ngay bên cạnh những khu dân cư vô cùng sầm uất…”
Mỗi đoạn của “Con đường nghệ thuật công cộng Phúc Tân”, sử dụng những vật liệu tái chế, dường như mỗi nghệ sĩ đều gợi lại một mảnh ghép nào đó của Hà Nội. Có thể ngày hôm nay những điều ấy còn, nhưng chỉ 10, 20 năm nữa thôi tất cả sẽ trở thành những mảnh ký ức. Nhà thiết kế Tây Ban Nha Diego Cortiza đã thu gom những chiếc bu gà ở chợ Long Biên, Hà Nội để sơn màu và biến chúng thành những chiếc lồng đèn soi chiếu hình ảnh con rồng và hình ảnh cầu Long Biên; hay nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn sử dụng chất liệu từ sắt phế thải và inox gương tạo ra những tác phẩm về “Gánh hàng rong”.
Tác phẩm Xẩm tàu điện của họa sĩ Phạm Khắc Quang |
Có những tác phẩm lại gợi nhắc về những con người gắn bó Hà Nội. Đó là bóng dáng của “người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20” Hà Thị Cầu trong tác phẩm “Xẩm tàu điện” của nghệ sĩ Phạm Khắc Quang; hay tổng đốc Hoàng Thuỵ Chi, nữ sĩ Hồng Ngọc, danh hoạ Victor Tardieu và những đóng góp của họ với Hà Nội trong tác phẩm “Bức tường danh vọng” của nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế. Nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế bày tỏ: “Tác phẩm của tôi kể về số phận những ngôi nhà rất đặc biệt. Đó là những con người gắn bó thực sự với Hà Nội. Đời sống của họ trong tác phẩm đều liên quan đến cây cầu và dòng sông. Tôi đặt một cái tên rất kêu “Bức tường danh vọng” với hy vọng rằng khu vực này sẽ là một điểm sáng của Hà Nội trong tương lai”.
Tác phẩm Bức tường danh vọng của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế |
Theo giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, nghệ thuật đương đại đưa vào đời sống cộng đồng có lẽ là cách hiệu quả nhất để nghệ thuật gần gũi với người dân. Thậm chí chính người dân tham gia tương tác với tác phẩm cũng là một phần của tác phẩm.
Đó là cả tương tác cơ học và tương tác tư duy, góp phần gợi mở ra những ký ức và nâng cao ý thức cộng đồng. Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn bày tỏ rằng: “Đối với dự án nghệ thuật Phúc Tân này, chúng tôi sử dụng ngay yếu tố ngữ cảnh ở đó. Khi chúng tôi đến, rất nhiều phế thải đổ ra ở đây, chúng tôi sử dụng yếu tố phế thải, tái chế vào trong tác phẩm. Đó chính là cách chúng tôi tương tác với ngữ cảnh. Chứ ngay từ đầu chúng tôi không có ý định làm một dự án về tái chế, nhưng khi ra đến đây chúng tôi phải thay đổi đi tính chất, đó là đưa. Tương tác của thực hành nghệ thuật với nơi chốn, cảnh quan, cộng đồng cụ thể. Chính vì lẽ đó ở mỗi dự án nghệ thuật luôn khác biệt không có một công thức nào hết”.
Tác phẩm Những Thánh Gióng đương đại của nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt Nguyễn Ưu Đàm |
Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân đánh dấu sự cởi mở và dứt khoát thành phố Hà Nội của trong việc đưa nghệ thuật vào cải tạo đời sống. Dự án cho thấy một Hà Nội đổi mới trong tiếp cận và thực hành nghệ thuật đương đại. Những tác phẩm nghệ thuật đang thực sự đi vào đời sống và tạo ra những giá trị công đồng.