Lướt qua dòng ca dao đất chín rồng

(VOV5)- Cái tình muôn thủa thời nào cũng vậy khiến con người ngồi đứng không yên.


Đất chín rồng, miệt vườn phương Nam, đất rừng phương Nam “sinh sau đẻ muộn” so với đất bắc, với đất “khu năm dằng dặc khúc ruột miền trung”. Người vào phương Nam lập nghiệp theo sau những dòng người khăn gói gió đưa mang gươm đi mở cõi đủ mọi thành phần xã hội thời xưa. Điểm chung nhất cố kết họ ở vùng đất mới vô cùng trù phú nhưng cũng rình rập nhiều tai vạ, tai họa, tai ương do thú dữ, rừng thiêng hoang vu nước dữ nước độc gây ra. Muốn tồn tại để sinh cơ lập nghiệp nơi tân thổ xa xứ này, con người buộc phải cố kết với nhau trong một cộng đồng xa quê cha đất tổ. Họ sống dũng cảm phóng khoáng, bộc trực, thẳng thắn, trọng nghĩa khinh tài, gàu tình đồng loại nhân văn. Thơ dân gian phần nào thể hiện cá tính con người mở cõi như thế, đặc biệt trong lĩnh vực tình yêu gái trai, tình cảm nam nữ lứa đôi thuộc nhân tính vĩnh cửu ở đời.

Lướt qua dòng ca dao đất chín rồng - ảnh 1



Bắt đầu từ khởi điểm cô gái tự hỏi mình “cơm ăn một chén lưng lưng-dạ sao dạ nhớ người dưng thế này”. Cái tình muôn thủa thời nào cũng vậy khiến con người ngồi đứng không yên.

Khăn thương nhớ ai khăn rơi xuống đất
Đèn thương nhớ ai mà đèn không tắt
Măt thương nhớ ai mà mắt không khô

Thơ tám chữ nhịp đôi không uyển chuyển điệu  đà, mượt mà; thơ như lời giao đãi thường nhật đơn giản, có phần trúc trắc mà cái tình của người bình dân vẫn hiển lộ trước mắt như cái khăn rơi, cái đèn tắt, đôi mắt long lanh. Ngày xưa chữ Nho, chữ thánh hiền là cửa mở vào con đường hoạn lộ những mong có được áo gấm về làng vinh quy bái tổ công danh phú quý, ước mơ xưa của người Việt chân lấm tay bùn. Cô gái khuyên người tình:

Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chữ Nhu
Chín trăng em đợi mười thu em chờ

Hai câu đầu thất ngôn chỉ là gợi hứng, màu xanh đỏ, sáng tối của đèn  tương tự như mây trắng mây xanh mây vàng trong câu ca dao xứ Bắc “trên trời có đám mây xanh - ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng”. Ý chính của cô gái phương Nam ngày... xưa là anh bền tâm đèn sách, hy vọng rồi đây cá vượt vũ môn, đời sẽ đổi đời. Cũng như ý chính của chàng trai xứ Bắc là mơ ước lọt mắt xanh người đẹp để có cơ may tơ tưởng cảnh phong lưu phú quý  mua gạch Bát Tràng  xây tòa ngang dãy dọc, đón  nàng về dinh.

Thời nào cũng vậy trong tình yêu lứa đôi, sự trớ trêu bao giờ cũng như chờ chực sẵn. Nhất là thời xưa phong kiến trung cổ số phận người phó mặc cho ông xanh “cái quay búng sẵn trên trời-mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Nên đời mới xảy ra cảnh:
Rau răm đất cứng dễ bứng khó trồng
Dẫu thương cho mấy cũng chồng người ta!

Câu này ý tứ tương đồng với câu ca dao xứ Bắc “ăn sao cho được mà mời - thương sao cho được vợ người mà thương”. Người bình dân lao động thời nào cũng vậy, tư duy hình tượng, tư duy cụ thể, không nói trừu tượng chung chung. Nên thơ dân gian giàu tính tượng thanh tượng hình, giàu thủ pháp ví von so sánh, dễ cảm dễ hiểu.

Về phương diện ngôn ngữ nghệ thuật, người ta dễ nhận ra nhiều câu ca dao do những thày đồ, ông đồ, nho sinh có học chữ thánh hiền ngày xưa lại sống giữa dân gian trong làng ngoài nước nên họ viết ra, nói ra được cộng đồng dễ chấp nhận, phổ biến. Ví như câu “quạ kêu nam đáo nữ phòng -người dưng khác họ đem lòng nhớ thương” . “Nam đáo nữ phòng” là câu toàn chữ gốc Hán  nôm na nghĩa đàn ông, con trai đến phòng đàn bà, con gái là chuyện ngày xưa rất không bình thường. Thế nhưng cũng chỉ vì người khác họ tộc, không chung dòng máu tổ tiên, không gần huyết thống cha mẹ, nghĩa là người dưng thì con người ta mới phải duyên nhau, phải lòng nhau chứ!  Lễ giáo phong kiến “nam nữ thụ thụ bất thân”, đàn ông đàn bà chạm tay nhau là có tư tình, là dễ sinh nhị tâm phản trắc; là hành xử của kẻ vô đoan chính! Về phương diện thể thơ, ngoài lục bát quen thuộc, ca dao phương nam không thiếu những câu thơ ... phá thể, phá cách, bỏ điệu luật, phần nào biểu tỏ tính giản đơn phóng túng của người xứ này:                    
Có thương thì thương cho chắc
Dẫu bằng trục trặc thì trục trặc cho luôn
Đừng như con thỏ đứng đầu truông
Khi vui dỡn bóng khi buồn dỡn trăng

Lướt qua dòng ca dao đất chín rồng, dù chỉ là phạm vi đề tài tình yêu lứa đôi chăng nữa thì ví von, cũng  như lướt thuyền nhanh trên một dòng sông  nước xuôi ra biển. Người viết đặc biệt ấn tượng với câu “Thò tay mà ngắt ngọn ngò - Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ”. Không một từ lạ, không một hình ảnh lạ, đọc lên nghe thấm đẫm tình yêu chân thật sâu sắc biết chừng nào. Một thời như thế; bao nhiều ràng buộc, bao nhiêu quy ước thành văn bất thành văn thời phong kiến xa xưa ông cha ta mở cõi đất rừng phương nam, người con trai có thể chiến thắng hiểm nguy nơi đồng hoang sóng dữ rừng thiêng  nhưng chưa chắc đã vượt được bức tường thành rào cản thân phận để có được tình yêu lứa đôi mãn ý hài lòng. Hơn ba trăm năm sau, người hiện đại lật giở trang thơ dân gian quá khứ, vẫn thấy như trong tâm cảm văng vẳng đâu đây tiếng hò sông nước mênh mang... vô thanh mà mênh mang nỗi  buồn thương  của người xưa: “cây đa trước miễu ai biểu cây đa tàn - bao nhiêu lá rụng em thương chàng bấy nhiêu!”

Phản hồi

Các tin/bài khác