(VOV5) - Cải lương là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của Nam bộ và không quá kén người nghe. Thế nhưng, để khán giả, mà đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi cảm thấy cải lương thật sự thú vị, đòi hỏi các nghệ sĩ phải không ngừng làm mới mình trong từng vai diễn. Tại thành phố Hồ Chí Minh, từ hơn 1 năm nay, nhóm cải lương tuồng cổ Đồng ấu Bạch Long đã làm được điều đó. Vì vậy suất diễn nào của họ cũng đông khách và rộn tiếng cười vui.
|
Cảnh trong vở cải lương Tiểu anh hùng Nam quốc của nhóm Đồng ấu Bạch Long |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Trong căn phòng rộng chừng 25 mét vuông, gần 20 diễn viên của nhóm Đồng ấu Bạch Long vừa hát, vừa tập vũ đạo say mê một trích đoạn trong vở Cóc kiện trời để diễn phục vụ các em thiếu nhi. Mỗi buổi tập vở như thế này của thầy trò nghệ sĩ Bạch Long kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ và thường tranh thủ vào giờ nghỉ trưa. Các diễn viên nhập vai vào những nhân vật vui nhộn trong các vở cải lương đượcdàn dựng riêng cho khán giả nhí thành phố. Với hàng chục suất diễn trong hơn 1 năm qua, nhóm Đồng ấu Bạch Long từng bước giúp các em thiếu nhi đến gần hơn với nghệ thuật cải lương. Nghệ sỹ Bạch Long tâm sự: “Thứ nhất tôi muốn truyền nghề, thứ hai tôi muốn có khán giả kế thừa cho bộ môn nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Diễn viên mình có kế thừa thì phải có lực lượng khán giả kế thừa, nếu không cải lương một ngày nào đó sẽ bị mai một. Trẻ em bây giờ mê coi phim hoạt hình, ca nhạc, hiphop… và hầu như chỉ biết những cái đó thôi. Vì vậy, nếu không cho xem cải lương, về sau các bé sẽ không biết cải lương là gì hết".
Nét riêng của Đồng ấu Bạch Long chính là nghệ thuật cải lương tuồng cổ với những vở diễn mang đầy tính nhân văn, giáo dục các em nhỏ lối sống hướng thiện, yêu quê hương, đất nước, hiếu thảo với mẹ cha... Mỗi vở diễn là một thông điệp ý nghĩa mà biên kịch kiêm đạo diễn Bạch Long muốn gửi đến những người bạn nhỏ. Cụ thể, vở cải lương Hầu nhi cứu chủ nói về quy luật nhân quả trong cuộc sống, Con ngựa bạch và củ cải khổng lồ đề cao tình cảm gia đình, trong khi đó, Cóc kiện trời giáo dục các em thiếu nhi cách sống tiết kiệm. Bên cạnh những câu chuyện đậm tính cổ tích, yếu tố lịch sử cũng được “ông bầu” Bạch Long dành nhiều sự quan tâm. Khi viết kịch bản, nghệ sĩ Bạch Long giản lược tối đa yếu tố chính sử, thay vào đó những chi tiết gần gũi với cuộc sống để các bé “vừa học vừa chơi”.
Chọn cải lương tuồng cổ, song song với việc lồng ghép yếu tố hài vào để thu hút người xem, các diễn viên trong nhóm còn phải đầu tư chu đáo về mặt vũ đạo. Trên sân khấu, các động tác vũ đạo ước lệ của sân khấu hát bội như múa giáo, chèo thuyền, đi roi ngựa, múa thương… được tận dụng tối đa cùng nhiều pha hành động hấp dẫn nhằm thu hút các em thiếu nhi . Theo các diễn viên trong đoàn, việc vừa ca cổ vừa thực hiện vũ đạo không hề đơn giản. Thế nhưng, ai cũng phải cố gắng hết mình vì nếu cứ đứng hát suông, trẻ con sẽ mau chán, chóng quên.
Hiện nhóm được Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cấp kinh phí để duy trì 4 suất diễn miễn phí mỗi tháng tại Nhà hát thành phố và các quận, huyện vùng ven để phục vụ các em thiếu nhi. Diễn viên Phan Thị Phượng chia sẻ: “Để dấn thân vào vai diễn, mới đầu cũng khó lắm nhưng mình thích làm các em cười nên luôn cố gắng hết sức để nhập vai. Nghiệp cầm ca của mình thì mình phải theo cho trọn chứ nói cái nghề này nuôi sống mình là không có".
Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh Thành phố đã tạo điều kiện để nhóm Đông ấu Bạch Long sáng tạo nghệ thuật, giúp cho các khán giả nhí trong thành phố hiểu thêm về loại hình nghệ thật dân gian truyền thống của cha ông. Ông Nguyễn Hữu Luân, Giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, tâm sự: “Với trách nhiệm của một trung tâm biểu diễn của thành phố, chúng tôi đã cố gắng gây dựng nhiều nhóm và đỡ đầu một số nghệ nhân, nghệ sĩ có tâm huyết với loại hình nghệ thuật dân tộc. Suốt một năm qua, chúng tôi đã chi một số tiền khá lớn để tổ chức những chương trình không chỉ riêng cho Nhà hát lớn thành phố mà còn diễn ở các quận huyện vùng ven”.
Hoạt động hữu ích này đã và đang được nhiều nghệ sĩ tham gia nhiệt tình. Thông qua hoạt động biểu diễn phi lợi nhuận giúp tuổi thơ thành phố có điều kiện thưởng thức các vở cải lương chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa của người dân Nam bộ./.