Mùa hè, xem phim hoạt hình chiếu rạp...

(VOV5) - Hoạt hình Việt đã và vẫn bỏ trống một khoảng thời gian vàng – khoảng thời gian dễ tiếp cận khán giả  nhất trong năm – đặc biệt là khán giả nhí.

Nghe âm thanh bài tại đây:

Từ nửa cuối tháng 5, trùng thời điểm năm học kết thúc, một loạt phim hoạt hình “bom tấn” đã đổ bộ rạp chiếu Việt và được dự đoán là sẽ bám trụ lâu dài. Có thể kể đến các phim như : Haikyu trận chiến bãi phế liệu, Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu, Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ, Garfield: Mèo béo siêu quậy, Kẻ trộm mặt trăng 4…Dễ dàng nhận thấy đây đều là những tác phẩm có điểm tựa từ truyện tranh hay tác phẩm văn học nổi tiếng, hoặc là những thương hiệu hoạt hình lớn phát hành toàn cầu như Haikyu, Doraemon, Kẻ trộm mặt trăng.
Mùa hè, xem phim hoạt hình chiếu rạp... - ảnh 1Cảnh trong phim “Càng to, càng nhỏ”, một bộ phim hoạt hình Việt Nam - Ảnh: baotintuc.vn

Là bom tấn – sản phẩm của những nền công nghiệp điện ảnh lớn như Mỹ, Nhật Bản, lại ra mắt đúng dịp hè, nên các phim này dễ dàng đứng đầu phòng vé về doanh thu. Ngay như phim Haikyu trận chiến bãi phế liệu ra rạp từ giữa tháng 5,  dù suất chiếu rất ít ỏi nhưng lượng khán giả trẻ đi xem vẫn khá đông đảo và không tiếc lời khen cho bộ phim có nội dung khá dễ hiểu này. Có bạn còn háo hứng thốt lên “Chờ đợi suốt 2 năm mới được xem phim đấy”.

Theo đạo diễn NSUT Trịnh Lâm Tùng, các phim hoạt hình bom tấn, các phim hoạt hình thương hiệu lớn được nhập về chiếu ở rạp Việt thường được đầu tư rất lớn về thương mại và nghệ thuật: “Để cho một bộ phim đạt kết quả, đơn giản là do thời lượng thôi, bởi chiếu rạp thôi đã quá khó khăn. Với bộ phim hoạt hình bom tấn, như Kungfu Panda chẳng hạn, thì số tiền để sản xuất bộ phim đó rất là ghê gớm. Những bộ phim mang tính chất bom tấn như vậy đến từ những quốc gia như Nhật, Mỹ, Pháp, là những cường quốc về mặt kinh tế. Ở những nước đó, họ không đơn thuần coi hoạt hình là một bộ môn giải trí, không đơn thuần là cho một lứa tuổi hay tầng lớp nhất định nào. Việc đầu tiên phải quan niệm, hoạt hình là một sản phẩm điện ảnh, và như vậy phải đảm bảo đủ các yếu tố về câu chuyện, về chất lượng hình ảnh, về giá trị xã hội, giá trị văn hóa, giá trị kinh tế, giá trị lịch sử, và đương nhiên, giá trị giải trí phải cao”.

Rạp Việt đang sôi nổi với bom tấn hoạt hình ngoại như vậy. Trong khi đó, những phim hoạt hình trong nước đi đâu?

Tham khảo lịch chiếu tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia đầu tháng 6, lọt thỏm giữa “rừng” phim hoạt hình ngoại là chùm 6 phim hoạt hình nội (Bà của Đỗ Đỏ, Cái đuôi của cậu Ấm,  Người hùng, Gia sản kếch sù, Cô bé tóc xù, Giấc mơ của con) với suất chiếu duy nhất trong ngày. Tổng thời lượng 6 phim này là 60 phút. 10 phút cho một phim không khác nào một tiểu phẩm nhỏ nhỏ xinh xinh, và chắc chỉ phù hợp với khán giả mẫu giáo nhi đồng. Một lượng lớn khán giả là thanh thiếu niên và các bạn trẻ sẽ không chọn những phim/ tiểu phẩm ấy khi tới rạp.

Từ lâu, ngành hoạt hình nước ta đã xác định đối tượng người xem không chỉ là trẻ em mà ở mọi lứa tuổi. Thực tế đúng là như thế, khi hàng thập kỷ qua hàng loạt phim anime của Nhật gây sốt trong cộng đồng khán giả trẻ nước ta. Đạo diễn NSUT Trịnh Lâm Tùng cho biết một tác phẩm hoạt hình ra rạp chiếu thương mại phải đáp ứng những tiêu chuẩn chung: “Ví dụ như về mặt thời lượng, thường có thời lượng từ 90 phút đến 120 phút. Một bộ phim ra rạp đem lại nhiều giá trị, vượt hơn rất nhiều giá trị kinh tế. Nó khẳng định thương hiệu, khả năng của đơn vị sản xuất phim, khẳng định được tên tuổi cũng như vị thế của đạo diễn đó. Thứ ba nữa, một bộ phim để tham dự những liên hoan phim quốc tế vô hình chung đã đảm bảo tất cả các tiêu chí kia rồi. “

Từ lâu, hai giải thưởng điện ảnh trong nước là giải Bông sen và giải Cánh diều đều tôn vinh các tác phẩm hoạt hình. Hãng phim hoạt hình Việt Nam được cấp ngân sách để thực hiện các tác phẩm có tính phi lợi nhuận. Nhiều studio tư nhân ở hai miền Nam Bắc được đánh giá là có tiềm năng lớn. Các hội thảo về điện ảnh nói chung và hoạt hình nói riêng đều nhận định hoạt hình Việt đang có bước phát triển vượt bậc, tiếp cận được với thị trường thế giới.

Thế nhưng, nhiều mùa hè đã qua. Các khán giả yêu hoạt hình vẫn mải miết mua vé xem phim ngoại, nói cười với những tình tiết gây cười và trầm trồ thán phục với những nét vẽ, những chuyển động linh hoạt trong phim.

Hoạt hình Việt đã và vẫn bỏ trống một khoảng thời gian vàng – khoảng thời gian dễ tiếp cận khán giả  nhất trong năm – đặc biệt là khán giả nhí. Nguyên nhân quan trọng của việc “bỏ trống” ấy vẫn là không có tác phẩm, không có một lộ trình với những bước đi bài bản và thống nhất để có thể đưa phim Việt ra với rạp Việt.

Theo đạo diễn NSND Hà Bắc, ngành hoạt hình nước ta cần một người thuyền trưởng có tầm nhìn và năng lực xuất sắc: “Quan trọng nhất, là bây giờ ở thượng tầng kiến trúc phải có một người am hiểu về hoạt hình, có một nhà tổ chức am hiểu về nghệ thuật phim hoạt hình và sản phẩm phim hoạt hình, biết được nhu cầu khán giả,. Tức là người lãnh đạo đấy phải nắm rõ được thị trường, khán giả, sản phẩm để làm sao tiếp cận được với thực tế hơn.”

Từ trước đến nay, khi đề cập bất cứ lĩnh vực nào của văn học nghệ thuật, chúng ta thường mải miết nói về những khó khăn, như ngân sách ít, cơ chế chính sách chưa thông thoáng, nghệ sỹ không thể sống được bằng tác phẩm... Khó khăn thì lúc nào và ở đâu chẳng có. Sẽ càng khó nếu không bắt tay vào thực hiện. Năng lực để thực hiện các tác phẩm hoạt hình xinh xắn như tiểu phẩm thì chúng ta không thiếu  thiếu. Nhưng một bộ phim hoạt hình dài có đủ năng lực cạnh tranh ngoài rạp chiếu thương mại vẫn thuộc về phía trước.

Mùa hè, xem phim hoạt hình, trông người lại ngẫm đến ta là thế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác