Ngày thơ Việt Nam: Sân chơi văn hóa

(VOV5) - Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 (năm 2017) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, diễn ra vào 11/2 (tức Rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Với chủ đề “Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước”, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15 có sự tham gia của đông đảo các nhà thơ Việt Nam đang sinh sống trong, ngoài nước. 

Ngày thơ Việt Nam: Sân chơi văn hóa - ảnh 1

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức. Các hoạt động chính của Ngày thơ gồm thi thơ, diễn thơ, đố thơ, tặng thơ, tặng chữ, thơ câu đối... xoay quanh các nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần sáng tạo, đoàn kết, hòa hợp dân tộc, chung tay xây dựng đất nước giàu đẹp. Năm nay ngày thơ vẫn có 2 sân, sân trước và sân sau. Có một đặc điểm là sân sau mọi năm thường dành cho thơ trẻ, nhưng năm nay thơ trẻ sẽ không có sân khấu riêng. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết: Ban tổ chức không chủ trương phân chia ra sân thơ trẻ với sân thơ truyền thống với mong muốn những nhà văn trẻ và các nhà văn ở thế hệ đi trước cùng đồng hành trên một sân khấu. Sân khấu đại diện cho một không gian lớn mà ở đó, các thế hệ cùng nhau bước tiếp con đường thi ca Việt Nam. “Năm nay, chúng tôi muốn dựng lại một cách sơ lược nhất con đường lịch sử của Hội nhà văn Việt Nam trong 60 năm. Trong sân thơ, tất cả các nhà thơ của nhiều thế hệ ngồi cùng với nhau, đan hòa vào nhau để làm nên một chân dung thi ca của đất Việt. Bên cạnh đó, chúng tôi tôn vinh những người mà trong năm trước đó, họ đã dành được những giải thưởng dù lớn hay nhỏ” - ông Thiều nói.

Theo nhà thơ Hữu Việt, năm nào sân thơ trẻ cũng được công chúng yêu thơ chờ đợi ở sự mới mẻ, cách tân, đột phá, chờ đợi những gương mặt nhà thơ trẻ sẽ xuất hiện. Chính vì vậy, sân thơ trẻ luôn luôn chịu áp lực của việc tìm ra những gương mặt thơ mới, đồng thời tìm ra những cách thức tổ chức mới. Chính vì vậy, sân thơ trẻ không bao giờ mất đi cả, mà nhiều năm, sân thơ trẻ đã nhường lại sân khấu riêng của mình để phục vụ chủ đề chung của Ngày thơ Việt Nam. Nhưng dù thế nào, năm nào các nhà thơ trẻ cũng xuất hiện dày đặc với những sáng tác mới của mình. Việc tích hợp sân thơ trẻ và sân thơ truyền thống cũng là một sự tôn vinh, đánh giá cao chất lượng thi ca, cũng như những đóng góp của các bạn trẻ, để có thể bình đẳng với những nhà thơ đi trước. Nhà thơ Hữu Việt cho biết: 
“Sân thơ trẻ năm nay mang một kết cấu mở. Đây là sân thơ để tôn vinh các tác giả vừa đoạt giải thuởng của Tạp chí Văn nghệ quân đội, một tạp chí có uy tín cung cấp một lượng lớn các nhà văn, nhà thơ cho văn đàn của Việt Nam từ trước tới nay. Thứ hai là tôn vinh các nhà thơ đạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Năm nay, người được giải thưởng về thơ sẽ xuất hiện trước công chúng, đọc những sáng tác mới của mình và giao lưu, trò chuyện với công chúng. Thứ ba là tôn vinh những nhà thơ là hội viên mới chuyên ngành thơ của Hội Nhà văn Việt Nam”.

Cũng giống như sân thơ trẻ, năm nay, thơ thiếu nhi không xuất hiện, nhưng sẽ có một không gian đặc biệt cho các câu lạc bộ thơ thiếu nhi. Cuộc thi thơ, hoạt động về thơ của các em thiếu nhi sẽ được tập trung tại “Không gian thơ thiếu nhi Việt Nam”.

Điểm nhấn đặc biệt của Ngày thơ năm nay sẽ là không gian trưng bày thơ trên gốm của họa sĩ Lê Thiết Cương. Ngoài ra, lần đầu tiên Ngày thơ Việt Nam tổ chức Con đường thi nhân để giới thiệu chân dung, sáng tác của các nhà thơ tiêu biểu của Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết thêm: 
“Năm nay có sự tham gia của họa sĩ Lê Thiết Cương. Ông trình bày vài chục cuốn sách mà ông đã làm bìa sách thơ. Ông cũng chọn những câu thơ hay để viết trên những bình gốm do ông thiết kế. Bên cạnh đó, chúng tôi dựng con đường thi nhân để  bạn đọc có thể cảm nhận về con đường của các nhà thơ đã đi qua là con đường gì, là bằng những câu thơ hay vang dội trong tâm hồn họ về đất nước, con người, tình yêu thương”.

Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Triển lãm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là triển lãm ngoài trời những bức ảnh độc đáo nhất, trong đó có nhiều bức chưa được công bố về hoạt động, quá trình hình thành và phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam, về các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu là hội viên của Hội. Cùng với đó, "Sân thơ trăm miền" sẽ là nơi để văn nghệ sĩ các tỉnh, thành phố và câu lạc bộ thơ giao lưu, trình diễn những tác phẩm thơ đặc sắc nhất.

Ngày thơ Việt Nam là hoạt động thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam dành cho công chúng yêu thơ. Ngày thơ được đông đảo người dân trên khắp cả nước hưởng ứng, nhiều địa phương cũng tổ chức Ngày thơ của mình, dần trở thành một lễ hội văn hóa dành cho công chúng yêu thơ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác