Nghệ thuật hiện thực của họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc

(VOV5) - Tài năng của Nguyễn Sỹ Ngọc thể hiện khi đề tài hội họa của ông rất đa dạng, khi ông đi sâu vào cuộc sống nhân dân.

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Hồng Huệ:

 Sinh thời, nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo từng nhận xét, Nguyễn Sỹ Ngọc (sinh 1918 – mất 1990) là một tài năng đa ngành mỹ thuật, là một họa sĩ thiết kế sân khấu thuộc thế hệ đầu tiên mở đường cho nghệ thuật thiết kế sân khấu hiện đại của mỹ thuật Việt Nam, phụ trách công việc ở đoàn kịch kháng chiến thời chống Pháp; là một họa sĩ minh họa sách báo độc đáo và tài năng, một họa sĩ sơn mài bậc thầy, có nhiều đóng góp, làm giảng viên tại Trường Mỹ thuật Việt Nam, đồng thời, cũng là một nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật nhiều tâm huyết.
Nghệ thuật hiện thực của họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc  - ảnh 1 Đèo Nai (Một ngày mới bắt đầu). Họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc 1965. Sơn mài. 115x100cm. Sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam  - Ảnh: Tạp chí mỹ thuật

Nói như họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam thì: Trong rất nhiều thập kỷ, quan niệm nghệ thuật hiện thực của họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc không suy chuyển. Ông càng chiêm nghiệm thì ông càng phát hiện ra những vẻ đẹp mới của con người Việt Nam. Đây cũng là những đóng góp mà đối với thế hệ hậu sinh - những người bây giờ tiếp bước dòng nghệ thuật hiện thực của họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc vẫn được thừa hưởng nguyên vẹn những bài học mà ông để lại: "Tôi cho rằng dòng nghệ thuật hiện thực vẫn còn nguyên giá trị của mình. Và bản thân cái sự gọi là thay đổi về khuynh hướng sáng tác, về ngôn ngữ thể hiện, về chất liệu, khi chúng ta bước nhanh ra thế giới bên ngoài thì chúng ta thấy rằng nghệ thuật hiện đại thế giới cũng đã được các nghệ sĩ Việt Nam tiếp nhận và Việt hóa.”

Theo nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, tài năng của Nguyễn Sỹ Ngọc thể hiện khi đề tài hội họa của ông rất đa dạng, khi ông đi sâu vào cuộc sống nhân dân:   "Cụ Nguyễn Sỹ Ngọc là người vẽ rất đa dạng, nhiều thể loại khác nhau và nhiều nội dung khác nhau. Trong thực tế, lịch sử mỹ thuật Việt Nam của chúng ta có những người tập trung chỉ vẽ đề tài nông nghiệp, có những người chỉ tập trung vẽ đề tài nông thôn và cũng có người chỉ tập trung vẽ đề tài công nhân nhưng cụ Sĩ Ngọc đề tài gì cũng có. Điều đó cũng không phải tầm thường. Bởi vì có vốn sống, có đi sâu vào cuộc sống của chính nhân dân mình và có sự chiêm ngưỡng đáng kể đối với tất cả các hoạt động của dân tộc chúng ta, của nhân dân lao động chúng ta nói chung và của cả Đảng chúng ta, thì mới có thể sáng tác được như thế, chứ không có thì không thể nào vẽ được đủ loại như vậy."

Nghệ thuật hiện thực của họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc  - ảnh 2Tượng chân dung họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc - Ảnh: Báo Tuổi trẻ thủ đô

"Thuộc lớp nghệ sĩ đi đầu của nền Mỹ thuật Cách mạng Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc “cùng khóa với các họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Văn Mười, Trần Tấn Thanh, Nguyễn Tấn Báu, Võ Đoàn Giáp, Nguyễn Kỳ, Phạm Hầu” - Theo nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến - “Bốn người trong khóa này gồm Sỹ Ngọc, Huỳnh Văn Thuận, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn cùng Nguyễn Đức Nùng khóa IX (từ 1933 – 1938) lại là những họa sĩ đầu tiên đứng tên trong bức sơn mài cỡ lớn bốn tấm 160 x 320 cm sử thi tráng ca Xô Viết Nghệ Tĩnh. Họ đã lao động nghệ thuật hết mình trong hai năm 1958 – 1959. Không gian lịch sử chiến đấu hiện hữu trên bức tranh đã chứng minh điều đó.”

Cũng theo nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến: "là một nhà minh họa nổi tiếng, từng minh họa của Nguyễn Sỹ Ngọc có giá trị như một tác phẩm đồ họa hoàn chỉnh. Thập niên 60, 70 Nguyễn Sỹ Ngọc cộng tác trên tuần báo Văn Nghệ với những tranh minh họa và bài phê bình mỹ thuật hiện đại sắc bén đã phác thảo chân dung một tài năng đa dạng trong sáng tác – phê bình mỹ thuật ở những thập niên cuối thế kỷ 20 của Việt Nam, thập niên mở đầu của thời kỳ Đổi mới."

Theo họa sỹ Lương Xuân Đoàn, xuất thân trường mỹ thuật Đông Dương, học hội họa Châu Âu lại chính là điểm nhìn để Nguyễn Sỹ Ngọc cũng như những họa sĩ cùng thế hệ ông tìm về với hồn cốt dân tộc: “Thời kỳ học Đông Dương là để tiếp nhận nghệ thuật châu Âu. Tôi cho rằng thời kỳ mỹ thuật Đông Dương là thời kỳ hết sức quan trọng, bởi vì xuất hiện cái thế hệ vàng, những thế hệ đầu tiên khởi đầu cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Và bản thân sự tiếp nhận Âu Tây, nghệ thuật Âu Tây của họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc không ảnh hưởng đến cái nét đẹp Việt mà ông yêu quý, giữ gìn.

Và tôi cho đóng góp của Nguyễn Sỹ Ngọc cũng khác biệt với cái thế hệ cùng thời với ông. Bởi vì giá trị hiện thực của Nguyễn Sĩ Ngọc là giá trị mà ông sống trong cuộc sống, phát hiện những vẻ đẹp thường ngày, bất kể là ai, từ người nông dân cho đến người công nhân, anh bộ đội… nét đặc trưng của một thời ấy được ông lưu giữ trong tác phẩm. Và tôi cho rằng đấy cũng là điều mà những lớp hậu sinh bắt rất yêu quý dòng nghệ thuật hiện thực cũng phải ý thức chiêm nghiệm để rút ra những bài học quý mà họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc đã để lại.”

Sinh tại Thanh Trì (Hà Nội), Nguyễn Sỹ Ngọc từng theo học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa XIII. Ông đã được Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương, huy chương, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 về Văn học - Nghệ thuật cho các tác phẩm: Tình quân dân hay Cái bát, Đổi ca, Chiến dịch Điện Biên Phủ và Đèo Nai (hay Một ngày mới lại bắt đầu). 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác