(VOV5) - "Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo" trả lời được câu hỏi: Tại làm sao người ta lại có cái nhu cầu làm nghệ thuật, tại làm sao người ta phải vẽ?
"Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo" là tác phẩm thứ hai của Graham Collier được chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam sau "Hình, Không gian và Cách nhìn". Đây có thể được xem là một bộ sách hoàn chỉnh, một khảo nghiệm mang tính toàn cầu về quá trình sáng tạo nghệ thuật. Cuốn sách này do dịch giả Trịnh Lữ chuyển ngũ, Đông A và NXB Dân Trí ấn hành.
Nhạc sĩ Dương Thụ, trong buổi nói chuyện của dịch giả Trịnh Lữ về Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo, đã chia sẻ: "Trong thưởng thức nghệ thuật có những họa sĩ và những nhà nghiên cứu. nhưng cũng còn những công chúng của nghệ thuật. Và công chúng tất hoang mang trước nghệ thuật, nhất là trước những tác phẩm nghệ thuật hiện đại. Tức là những cái mới bây giờ khiến người xem hoang mang vậy cái đẹp của tác phẩm ở đâu? cái gì làm ra cái đẹp? Anh Trịnh Lữ không chỉ là dịch giả, không chỉ là nhà nghiên cứu, mà anh còn là nhà họa sĩ nữa."
Dịch giả Trịnh Lữ từng là phóng viên, biên tập viên tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam, từng làm việc ở Mỹ gần 15 năm cho các dự án truyền thông và giáo dục của Liên hiệp quốc. Độc giả Việt Nam nhớ đến Trịnh Lữ với nhiều bản dịch văn chương và nghệ thuật có giá trị như: “Cuộc đời của Pi”, “Con nhân mã ở trong vườn“, “Trần trụi với văn chương“, “Rừng Na Uy“, “Hội họa Trung Hoa qua lời các vĩ nhân và danh họa “..Ông đồng thời còn là một họa sĩ trung thành với hội họa hiện thực. .
Dịch giả Trịnh Lữ ký tặng sách - Ảnh: Báo Đại đoàn kết |
Chia sẻ về việc chọn dịch Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo, dịch giả Trịnh Lữ cho biết: "Thường tôi thấy những sách gì có thể chia sẻ và có ích lợi chung thì mình làm. Ở trong lĩnh vực nghệ thuật, tôi cũng đã từng đọc, và tự dịch rất nhiều tư liệu và sách trong hai mảng: lịch sử nghệ thuật và mỹ học. Lịch sử nghệ thuật thì mình thấy chỉ giúp mình hiểu được diễn biến của hình thức, các phong cách về quan hệ giữa những phong cách nghệ thuật ấy với lại tình hình xã hội và chính trị của từng thời kỳ. Còn sách mỹ học giúp mình biết câu trả lời tại làm sao có mỹ thuật, lẽ sống của nó là gì, nó theo đuổi cái gì. Nhưng có một câu hỏi nữa mà loại sách đó không trả lời được cho tôi trong rất nhiều năm vừa rồi, là: Tại làm sao người ta lại có cái nhu cầu làm nghệ thuật, tại làm sao người ta phải vẽ? Cũng như ngay thời kỳ này chẳng hạn, mình thấy càng ngày công chúng nói chung càng quan tâm đến mỹ thuật, nghệ thuật, người ta đi xem bảo tàng, đi xem triển lãm; ngày càng nhiều triển lãm tranh, tượng, rồi các trại sáng tác…Tức là sự quan tâm của công chúng đến nghệ thuật tạo hình càng ngày càng cao. Câu hỏi "Tại làm sao như thế?", không tìm thấy được ở trong hai mảng sách kia, nên tôi quay sang đọc về tâm lý học nghệ thuật để tìm câu trả lời, đặc biệt trong cuốn của cụ Graham Collie".
Cũng theo dịch giả Trịnh Lữ, “có lẽ việc đi tìm nghệ thuật và biểu thị cái đẹp là bản năng của con người. Nhưng để truy nguyên nghệ thuật thì là một việc không hề dễ dàng. Graham Collier đã cho thấy tác phẩm nghệ thuật là sự giao đãi giữa nội tâm và ngoại giới và lập luận mọi thứ trên cơ sở này một cách thuyết phục, xác đáng. Cuốn sách mang đến cho người đọc những lí luận để thưởng ngoạn những tác phẩm nghệ thuật bằng những thẩm nhận riêng của mình”
“Ông Collier người Anh, là một nhà tâm lý học, xuất thân là một họa sĩ. Ông từng dạy vẽ, từng triển lãm ở Anh từ rất lâu rồi. Năm nay cụ ấy đã 95 tuổi. Sự nghiệp nghệ thuật của cụ là ở thời kỳ trước chiến tranh và trong chiến tranh. Sau đó cụ trở thành một giáo sư triết học và tâm lý học nghệ thuật.ở ĐH Giorgia ở bên Mỹ. Tôi chọn dịch cuốn này để giúp cho những người không những là các anh em nghệ sĩ sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình (bao gồm cả hội họa, kiến trúc và điêu khắc), mà nó còn rất có ích cho những người giảng dạy nghệ thuật, giảng dạy mỹ thuật. những người nghiên cứu mỹ thuật cũng như công chúng muốn thưởng ngoạn nghệ thuật và những người sưu tầm.
Chọn dịch nó tôi nghĩ sẽ giúp cho công chúng ở Việt Nam có được cái cơ bản về tâm lý tiếp cận nghệ thuật. Bởi vì cuối cùng quy lại nó chỉ có một vài nguyên tắc rất đơn giản. Với những nguyên lý đấy, với những trang bị về kiến thức ấy thì ta có thể thưởng ngoạn nghệ thuật, đánh giá nghệ thuật có đường hướng rõ ràng. Và cách nhìn của ta về một tác phẩm nghệ thuật thay đổi rất nhiều. Nó làm cho ta khi nhìn một tác phẩm nghệ thuật là nhìn thấy con người nghệ sĩ ở đằng sau tác phẩm ấy. Và hiểu dược tại làm sao người ta làm những việc như vậy.” - Dịch giả, họa sĩ Trịnh Lữ cho biết thêm.
Cuốn sách này có ích thế nào với người đọc tiếng Việt? Thiết tưởng lời bìa 4 cuốn sách, ghi lại câu của tác giả Graham Collier trong cuộc trò chuyện với dịch giả Trịnh Lữ đã nói lên tất cả: “ Nếu anh thấy những câu hỏi và nỗ lực giải đáp trong sách của tôi là chính đáng ở Việt Nam, thì tôi tin rằng tâm thức của người Việt vẫn còn chưa bị xa lạ với hiện thực đến mức tự coi mình chỉ là một ngẫu nhiên phi lý, hoặc chưa “tiến hóa” đến mức thấy mình là một đấng thượng tôn toàn năng và nghệ thuật Việt Nam vẫn có cơ hội tránh thoát những năng lượng tiêu cực đã và đang chi phối nghệ thuật đương đại.”.