Nghe âm thanh bài tại đây:
Nhà văn Đoàn Tuấn - Ảnh: Báo Hà nội mới |
Không chỉ là một nhà giáo, nhà biên kịch, nhà báo với nhiều đóng góp cho điện ảnh nước nhà, Đoàn Tuấn còn là một nhà văn có vị trí riêng trên văn đàn.
Khoảng thời gian gần năm năm chiến đấu ở chiến trường K (1978 – 1983) đã cho ông bao trải nghiệm, vừa thiêng liêng vừa đau đớn, để từ đó những trang viết về đồng đội của ông trào ra, cuộn xoáy, như một dòng sông không bao giờ ngừng chảy…
Nhận quyết định nhập ngũ, không lâu sau đó là giấy báo trúng tuyển khoa Ngữ văn đại học Tổng hợp Hà Nội, ở tuổi 18, chàng trai Hà Nội Đoàn Minh Tuấn (bút danh Đoàn Tuấn) hăm hở lên đường, mang theo khát vọng trong trẻo một thời “Sống đã rồi hãy viết”, thâm nhập thực tế chiến trường để trở thành người viết, như câu thơ của một tác giả thế hệ chống Mỹ “Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”. Anh chiến sỹ trẻ được phân về tiểu đoàn 8, trung đoàn 29, sư đoàn 307, từ biên giới đi thẳng vào chiến trường K.
"Chúng tôi hy sinh nhiều lắm. Mọi người rất lạc quan và nghĩ rằng bọn địch xâm lược đất nước, thì tuổi trẻ của mình phải bảo vệ biên giới đất nước mình. Vì mảnh đất này cha ông đã gìn giữ hàng nghìn năm, nên khi chiến đấu, chúng tôi cảm thấy rất tự hào là một thế hệ sinh ra để lấy ngực của mình che chở cho Tổ quốc." - Nhà văn Đoàn Tuấn tâm sự.
Từ những bài thơ buổi đầu “Đất bên ngoài Tổ quốc” (in chung với Lê Minh Quốc, NXB Văn học 1995) đến những truyện ký, tiểu thuyết sau này: “Những người không gặp nữa” (2006), “Mùa chinh chiến ấy” (2016), “Một trăm ngày trước tuổi 20” (2018), Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt” (2022), Đoàn Tuấn đã thủy chung với một đề tài - viết về người lính trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, xác lập cho mình một vị trí riêng trong dòng văn học chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Hành trình sống và viết đồng thời mở ra không gian và thời gian nghệ thuật trong sáng tác của ông, đi từ những xúc cảm riêng tư để rồi chạm vào từng số phận, viết về mình và đồng đội, viết về cuộc chiến từ cái nhìn bên trong của người từng tham gia chiến đấu, đã có đủ độ lùi thời gian để chiêm nghiệm và tham chiếu từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Đó là cái nhìn thấu hiểu, xa xót, bao dung, mang thông điệp của hòa giải, tha thứ. Tha thứ, nhưng không được phép quên lãng. Tha thứ để can đảm đi đến tận cùng nỗi đau cả thể xác và tâm hồn, đối diện với nó, thấu hiểu nó. Để những người đang sống tự chữa lành vết thương vẫn còn rỉ máu. Và cả những người đã khuất, họ được thanh thản ở thế giới bên kia.
Thế nên, Đoàn Tuấn không ngừng những chuyến đi. Đi tìm hài cốt đồng đội.
"Có những lần chúng tôi đánh tập kích. Chúng tôi xông lên thì vấp mìn. Khi xông lên như vậy, một anh bị mất chân. Kéo được anh ấy về rồi, nhưng mà không có chân. Cả đêm hôm đó đơn vị phân công với anh y tá đơn vị là phải bò lên trận địa để tìm được cái chân đó trong đêm. Mà tìm cái chân trong đêm ấy, chúng tôi phải bắn rất nhiều đạn đại liên để yểm trợ cho anh ấy đi tìm. Ông đại đội trưởng nói một câu: Phải tìm được cái chân để cho những người hy sinh rồi họ yên lòng, họ được chôn cất đủ đầy. Anh em còn sống nhìn vào đây để họ sẵn sàng hy sinh. Trận đó bọn tôi cũng đi tìm. Tôi cũng phải đi lên đó cùng anh y tá và mình tìm được cái chân đó về. Mình cảm thấy rất hài lòng." - Ông nhớ lại.
Như câu thơ của Trần Đăng Khoa: “Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng”. Chiến tranh đi qua. Những hố bom được lấp đầy. Những công trình xây dựng mới được mọc lên. Chúng ta có thể hân hoan về các chỉ số tăng trưởng. Nhiều miền quê thay da đổi thịt. Thế hệ sau không phải lo thiếu trước hụt sau. Song dư âm hậu chiến đâu thể biến mất một cách dễ dàng.
Hãy cùng đọc một đoạn trong “Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt”:
“Ba lô tuổi trẻ, toàn đồ dùng thiết yếu cho chiến trận. Những tâm hồn non nớt của chúng tôi va chạm với máu, thuốc súng, sắt thép và cái chết, cũng bị tổn thương. Có ai nhìn thấy những vết thương ấy? Có ai giám định những vết thương lúc nào cũng rỉ máu ấy? Và chẳng ai xếp hạng những vết thương ấy. Không phụ cấp. Không đền bù. Vết thương trên cơ thể có thể thành sẹo. Nhưng vết thương tâm hồn, lẽ nào vô nghĩa? Có ai băng bó cho chúng tôi không? Hay tự chúng tôi băng bó cho nhau?”
Những câu hỏi đã ở bên nhà văn Đoàn Tuấn nhiều năm nay. Khi viết ra được, chắc chắn lòng ông dịu bớt phần nào. Viết cũng là một cách để băng bó vết thương cho mình và đồng đội. Trong quá trình đi và viết ấy, Đoàn Tuấn lại gặp những vết thương lặn sâu trong tâm hồn người đang sống.
Với ai chưa qua chiến tranh thật khó có thể thấu hết những suy tư nhiều khi chỉ chực chờ bung vỡ trong tâm hồn Đoàn Tuấn. Phải dồn nén lắm. Phải cố gắng lắm để nỗi niềm ấy không đi lang thang ra bên ngoài. Bản chất cuộc sống vốn vô tình. Loài người vốn nhanh quên. Lúc khó khăn hoạn nạn người ta thường cảm thấy gắn bó với nhau hơn, có thể quên mình vì nhau không toan tính. Còn khi vật chất đã đủ đầy thì dễ nảy sinh những nhu cầu mới, những suy nghĩ mới. Vì thế, người lính bước ra từ chiến trận, hòa vào cuộc sống thời bình thường khó khăn hơn. Có người trở về quần quật với mảnh vườn thửa ruộng, nhức nhối vì vết thương hành hạ lúc trái gió trở trời. Có người thành công thành danh nhưng đêm đêm vẫn lạc vào giấc mơ đầm nước mắt. Nỗi ám ảnh chiến tranh thật khó nguôi ngoai. Dòng đời thì cứ chảy trôi. Chỉ cần chậm một nhịp đã bị bỏ lại phía sau.
Vậy nên, sau những tháng ngày quân ngũ, người lính trở về hậu phương lại phải gồng mình lên để bắt kịp với nhịp thường ngày, trở thành trụ cột của gia đình. Đoàn Tuấn cũng có quá nhiều thứ để lo toan. Trách nhiệm của một người con đối với cha mẹ già. Trách nhiệm của một người chồng người cha với tổ ấm riêng. Gánh nặng áo cơm chẳng phải riêng ai. Có lẽ vì vậy mà mỗi khi nghĩ về đồng đội, Đoàn Tuấn càng thêm xa xót. Ông dạy học, làm báo, làm phim, làm mọi việc theo cách chu toàn nhất, như muốn rút ngắn thời gian, dồn thêm năng lượng, để một lúc nào đó được toàn tâm toàn ý sống với đồng đội, viết về đồng đội. Viết về những người sống và cả những người đã chết.
Ông tâm sự: "Vào bộ đội cũng là một trường Tổng hợp lớn. Chúng tôi cảm thấy mình tiếp nhận đời sống của người lính ở chiến trường rất là hứng thú, bởi mình được khám phá rất nhiều những tính cách, rất nhiều những chân dung, rất nhiều những tấm gương mà mình cần nghiên cứu. Tôi cũng thích đi, nhưng mà thích là đi tìm hiểu những tính cách, những chân dung còn thích hơn là đi khám phá những danh làm thắng cảnh, nên vào bộ đội, tôi luôn ghi chép và nhập vào tâm mình từng tính cách, từng lời nói, từng hành động của bạn bè, đồng đội, ý để sau này mình dựng lại chân dung của họ một cách rõ nét nhất. Đấy là điều mà tôi luôn luôn tâm niệm và hướng tới."
Đoàn Tuấn đã luôn trung thành với điều tâm niệm ấy. Ông đồng hành cùng thế hệ người lính thứ ba này, một thế hệ trẻ trung yêu đời, mang dáng vẻ bình thường nhưng tiểm ẩn những phẩm chất, những năng lực phi thường. Họ phải sống và chiến đấu xa Tổ quốc, với một kẻ thủ giấu mặt, vô cùng phức tạp và tàn ác, có ngã xuống cũng không được ngã trên đất mẹ, không có vòng tay che chở của quê hương. Vì thế, họ phải cố gắng nỗ lực gấp nhiều lần. Họ chỉ có một lựa chọn là hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi bước di chuyển có thể vấp mìn. Mìn cài ở mọi nơi. Những khẩu súng bắn tỉa như bao con mắt nấp sau lá rừng. Bị thương là chuyện thường tình. Sống và chết chỉ là khoảnh khắc. Chết bất cứ lúc nào, chết vì đủ mọi nguyên do. Có cái chết bi hùng, có cái chết vô lý, có cái chết tức tưởi. Chết rồi cũng đâu đã được yên.
“Sống sao cho xứng đáng với phẩm giá người đã khuất”. Đoàn Tuấn sẽ còn viết tiếp về thực tế chiến trường khắc nghiệt, nóng bỏng, những tình huống bất ngờ, những số phận bi tráng, những cái chết đã hóa tượng đài bất tử, có khả năng cảm hóa, tái tạo sự sống. Và nữa, những người lính tỏa sáng giữa đời thường bởi phẩm chất bình dị cao quý, những bà mẹ, những người vợ, những người con mang nỗi đau để nâng đỡ cuộc đời. Tiếp nối mạch truyện ký là tiểu thuyết, là phim tài liệu, là kịch bản điện ảnh. Có thể lắm chứ. Bởi Đoàn Tuấn còn rất nhiều tư liệu, còn rất nhiều điều muốn chia sẻ, muốn tỏ bày. Nỗi đau trong ông đã đủ thời gian, vừa độ tỏa hương. Nỗi đau ấy là một vẻ đẹp có khả năng chữa lành, ngân lên giữa nhân gian bộn bề. Nó sẽ không bao giờ cô đơn