(VOV5) - Hàng loạt phim ra rạp từ đầu năm nay cho thấy những nỗ lực đổi mới để tiếp cận thị trường mà vẫn thất bại.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Khoảng chục năm trước, nhắc đến những bộ phim chiếu rạp của điện ảnh nước nhà, ta thấy 2 dòng phim phổ biến là phim hài và phim tâm lý xã hội – gia đình. Còn hôm nay, diện mạo phim truyện Việt đã khác, phong phú với các dòng phim, trong đó thể loại hành động hay kinh dị không còn hiếm hoi mà đã trở nên phổ biến. Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ dựng phim và kỹ xảo VFX đã cho phép người làm phim mở rộng biên độ sáng tạo.
"Móng vuốt" của đạo diễn Lê Thanh Sơn là một bộ phim thành công bước đầu trong nỗ lực đổi mới từ thể loại đến đề tài. |
Chúng ta có có phim giả tưởng, như “Maika cô bé đến từ hành tinh khác”, phim sinh tồn như “Móng vuốt”, phim về ma cà rồng như “Người mặt trời”…Giải thưởng Cánh diều bạc năm 2024 cho phim “Móng vuốt” là sự ghi nhận của Ban giám khảo đối với những nỗ lực của nhà làm phim hướng tới những chủ đề, những thể loại mới. Đây cũng là dự án mà đạo diễn Lê Thanh Sơn đã ấp ủ trong bảy năm trời và đặt nhiều kỳ vọng trong quá trình sản xuất.
Mạng xã hội đã mở rộng không gian sống, đem tới những nghề nghiệp mới, trải nghiệm mới, tình huống mới. Đội ngũ youtuber, streamer càng ngày càng đông đảo, tác động không nhỏ tới đời sống. Nhiều giá trị ngoài đời thật bị đảo lộn. Nhiều câu chuyện, tình huống từ thế giới ảo bước ra đời sống thật lại vô cùng phũ phàng, tàn nhẫn. “Live – phát trực tiếp”, bộ phim của đạo diễn, nhà sản xuất Khương Ngọc là một trải nghiệm khá táo bạo, trực diện về thế giới này. “Thật và “thô” là những từ mà Khương Ngọc nói về tác phẩm đầu tay của mình, phản ánh về thế giới mạng xã hội. Ở đó các bạn trẻ làm tất cả để có được vị trí số 1, nhưng mặt trái của sự nổi tiếng đó họ phải đánh đổi những gì. Đó là thông điệp mà đạo diễn muốn gửi tới khán giả.
“Live – phát trực tiếp” là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt có nhân vật chính là những người làm việc, thu nhập từ trào lưu Mukbang (vừa ăn uống vừa ghi hình) và review (nhận xét, đánh giá) trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, một số bộ phim khác như “Án mạng lầu 4” (đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn) cũng được truyền thông là phim đầu tiên ở thể loại tâm lý - tội phạm - giật gân, hay phim “B4S - Trước giờ yêu” là phim đầu tiên làm trực tiếp về đề tài tính dục của giới trẻ. Phim có tới 4 đạo diễn, mỗi đạo diễn phụ trách một tuyến kịch bản, các tuyến kịch bản sẽ như những mảnh ghép tạo nên bức tranh đời sống người trẻ ở đô thị hôm nay.
Sự mở rộng về thể loại, đề tài, cách thức thể hiện và truyền thông - quảng bá cho thấy các nhà làm phim Việt đang nỗ lực thay đổi chính mình, nỗ lực tìm cách tiếp cận khán giả. Song thực tế ngoài rạp chiếu cho thấy những phim doanh thu cao nhất của điện ảnh nước ta vẫn thuộc về dòng phim tâm lý – gia đình với màu sắc bi có, hài có. Bên cạnh đó là những phim kinh dị, dù doanh thu không thực bứt phá nhưng thường có lãi. Điểm chung ở các phim này là không phức tạp về kịch bản, kinh phí sản xuất cũng vừa phải, kỹ xảo không tốn kém. Ngược lại, nhiều phim dù được đặt kỳ vọng, được đầu tư truyền thông song lại phải rời rạp chiếu sớm.
Theo nhà phê bình điện ảnh Đinh Trọng Tuấn: “Trong nhiều năm qua khi chúng ta làm chất lượng không tốt, làm thương mại cũng không đến được thương mại, thất bại về doanh thu rất nhiều, làm nghệ thuật cũng chưa đạt được tiêu chí và cũng chưa gây tiếng vang. Khi chúng ta ngó ra nước ngoài: Hàn Quốc, Thái Lan, Philippine, Nhật…, đặc biệt là Hàn Quốc, nơi nền điện ảnh phát triển rực rỡ về cả nghệ thuật lẫn thương mại, và đặc biệt phim thương mại cũng phát triển khủng khiếp.”
Nếu làm phim với mục đích hướng ra thị trường mà không được thị trường đón nhận thì nhà sản xuất cũng phải xem lại mình, là điều ông Đinh Trọng Tuấn nhấn mạnh.
Hàng loạt phim ra rạp từ đầu năm nay cho thấy những nỗ lực đổi mới để tiếp cận thị trường mà vẫn thất bại. Tâm huyết nhiều năm mà khán giả thờ ơ. Chỉ điều ấy thôi cũng khiến người làm phim không dám mạo hiểm với cuộc đua mới. Khán giả và thị trường điện ảnh vốn là một ẩn số, có thể bùng lên với phim này, song lạnh tanh với phim khác.
Trong một thời gian dài, điện ảnh nước nhà đã bị tụt hậu quá sâu. Những gì chúng ta cho rằng mới, thì khán giả đã được trải nghiệm từ các nền điện ảnh khác. Song khán giả không quay lưng với phim nội. Những bộ phim chạm tới những éo le đời thường của Trấn Thành, Lý Hải, Thu Trang vẫn thu lợi nhuận lớn. Song bản thân các đạo diễn, nhà sản xuất đó cũng phải luôn thay đổi khẩu vị, công thức cho món ăn – những tác phẩm thương mại hướng tới tệp khán giả ổn định, có thói quen xem phim cùng gia đình bạn bè ngoài rạp chiếu.
Mỗi năm điện ảnh nước ta có vài chục phim chiếu thương mại. Doanh thu luôn là bài toán khó đối với người làm phim. Nhưng khó khăn cũng là cách để hoàn thiện mình.