Ra mắt tuyển thơ “Từ quê hương Mozart” - dịch giả Quang Chiến

Quý vị và các bạn thân mến, Đại sứ quán Cộng hoà Áo tại Việt Nam cùng với Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây vừa cho ra mắt tuyển thơ “Từ quê hương Mozart”. Đây là sự kiện mở màn cho hàng loạt hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng hoà Áo vào năm 2012 tại Việt Nam. Qua bản dịch của dịch giả Quang Chiến độc giả Việt Nam không những biết đến một nền thơ hiện đại của Áo, mà còn lần đầu tiên biết đến những bài thơ viết về đề tài chiến tranh tại Việt Nam qua cảm nhận của một nhà thơ Áo.

 

 Ra mắt tuyển thơ “Từ quê hương Mozart” - dịch giả Quang Chiến - ảnh 1
 "Ngoài thiên tài âm nhạc Mozart, Áo cũng có một nền thơ rất phát triển."


“Mái nhà của tôi được tu sửa tốt

Chỉ còn thay cửa sổ và quét sơn

Giá nhà tăng, tiền bảo hiểm cao hơn

Ở Việt Nam, nhà đã thành hoang phế

Sao gã kia hắn lại nhàm chán thế

Bất kỳ đâu cũng nói tới Việt Nam

Hãy để người ta yên ở giữa chốn trần gian

Ở Việt Nam nhiều người đã vĩnh hằng yên nghỉ”

Đây là trích đoạn bài thơ “Nói chuyện về cây” của nhà thơ, nhà văn người Áo Erich Fried. Bài thơ là một trong những tác phẩm của Erich Fried được giới thiệu trong tuyển thơ “Từ quê hương Mozart”. Gần  45 năm từ khi tác phẩm ra đời, hôm nay qua bản dịch của dịch giả Quang Chiến, người Việt Nam mới lần đầu tiên được biết đến những vần thơ phản chiến đặc sắc này. Ngoài ra, một số những bài thơ nổi tiếng khác của Erich Fried về chiến tranh tại Việt Nam như “Người mẹ ở Việt Nam” nói về vụ 19 em nhỏ bị phi công Mỹ giết tại Hải Phòng hay “Bảng liệt kê”, nói về vụ thảm sát tại Mỹ Lai cũng được trích đăng trong tuyển thơ này. Ngoài việc làm thơ Erich Fried còn tham gia rất nhiều hoạt động phản đối chiến tranh tại Việt Nam.

 

Theo dịch giả Quang Chiến, Erich Fried xứng đáng với danh hiệu “Nhà thơ dấn thân vì Việt Nam”: “Trong khi dân tộc Việt Nam chiến đấu chống kẻ thù thì ở một xứ rất xa có một nhà thơ, thậm chí ra hẳn một tập thơ về Việt Nam lấy tên là “Và Việt Nam và” ngay từ năm 1966. Cái đó không phải nhà thơ ủng hộ Việt Nam nào cũng có được. Tập thơ này gây ra một tiếng vang rất lớn ở Tây Đức lúc bấy giờ và nó khơi mào cho phong trào đấu tranh phản chiến của thanh niên sinh viên Đức thời bấy giờ chống lại cuộc chiến tranh tại Việt Nam”.

 

Ngoài ra 11 nhà thơ tiêu biểu cho từng thời kỳ phát triển văn học của Áo cũng được giới thiệu trong tuyển thơ này. Từ Nikolaus Lenau, một nhà thơ lớn của văn học Áo trong thế kỷ 19, đến Franz Kiessling, một nhà thơ trữ tình thâm thuý, giàu tính nhân bản hay Ernst Jandl một trong những thi sĩ xuất sắc của văn chương Áo đương đại. Để chuyển tải được những bài thơ sang tiếng Việt, dịch giả Quang Chiến, cùng với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Cộng hoà Áo tại Việt Nam, đã mất hơn một năm sưu tầm và biên dịch.

 

Như nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nói, để dịch được thơ thì bản thân dịch giả cũng phải là một nhà thơ và hơn hết phải tìm được sự đồng điệu với nhà thơ mình đang dịch. “Việc dịch thơ có lẽ là khó nhất trong loại dịch văn học. Dịch thơ là dịch cả tình cảm, tư tưởng, nhịp điệu cả hình thức, cấu trúc một bài thơ. Dầu sao với những dịch giả tài năng họ vẫn làm cho chúng ta có cảm xuc được như là nhà thơ đã cảm xúc khi viết bài thơ đấy, làm cho ta tiếp cận được gần bản gốc nhất. Nhà thơ Quang Chiến giới thiệu tập thơ này thì cũng muốn bày tỏ một tấm lòng đối với thơ ca nói chung và đối với thơ ca Áo nói riêng nhưng trên hết anh muốn chuyển tải văn hoá của Áo đến Việt Nam. Và tôi nghĩ chúng ta sẽ hiểu nhau hơn bằng âm nhạc bằng văn chương và cụ thể là chúng ta sẽ hiểu nhau hơn bằng thơ.”

 

Dịch giả Quang Chiến tên thật là Ngô Quang Phục. Ông là một trong những lớp người Việt Nam đầu tiên được gửi sang tu nghiệp tại Cộng hoà dân chủ Đức cũ. Cho đến nay dịch giả 80 tuổi này đã có gần 40 năm gắn bó với việc truyền bá ngôn ngữ và văn học Đức tại Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với bản dịch tác phẩm văn học kinh điển “Faust” của đại thi hào Đức Goethe hay một số tác phẩm thơ của Heinrich Heine và Berthold Brecht. Nhờ những cống hiến của mình cho công việc dịch thuật, năm 2002 ông được trao tặng giải thưởng văn học của Hội nhà văn Việt Nam.

 Ra mắt tuyển thơ “Từ quê hương Mozart” - dịch giả Quang Chiến - ảnh 2
 Dịch giả Quang Chiến đã gần 80 tuổi, và cũng có gần 40 năm gắn bó với việc truyền bá ngôn ngữ và văn học Đức tại Việt Nam.
 



Việc cho ra đời tuyển thơ “từ quê hương Mozart” là nỗ lực mới nhất của ông trong việc truyền bá văn hoá phương Tây tại Việt Nam. “Tập thơ này mang tên là những áng thơ từ quê hương Mozart. Nhạc sĩ thiên tài  Mozart thì người Việt Nam nào cũng biết. Đây là là lần đầu tiên nhiều bài thơ của các tác giả Áo được giới thiệu đế cho bạn đọc Việt Nam. Qua tựa đề này tôi muốn nói rằng  ngoài thiên tài âm nhạc Mozart, Áo cũng có một nền thơ rất phát triển.”

 

Hi vọng rằng sau những áng thơ từ quê hương Mozart độc giả Việt Nam sẽ được tiếp cận với nhiều tác phẩm văn học Áo khác. Như trong lời tựa của tuyển thơ, Đại sứ Cộng hoà Áo tại Việt Nam, tiến sĩ Georg Heindl đã viết, dịch văn học là con đường đi đúng đắn và tuyệt diệu nhất để hai dân tộc chúng ta hiểu nhau ngày càng sâu sắc hơn.

Thúy Hằng

Phản hồi

Các tin/bài khác