Thầy Ba Đợi và tâm hồn thấm đẫm tình yêu nước

(VOV5) - Nằm trong loạt sự kiện nhân kỷ niệm một thế kỷ ra đời sân khấu Cải lương, Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp cùng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang hoàn thành vở diễn Thầy Ba Đợi
Thầy Ba Đợi và tâm hồn thấm đẫm tình yêu nước - ảnh 1

Kịch bản văn học của vở cải lương đồ sộ này được PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ chấp bút, tác giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương nói về Nhạc quan Nguyễn Quang Đại, người được bao thế hệ mộ điệu cải lương và bạn nghề, học trò cùng thời biết đến với nghệ danh giản dị nhưng vô cùng cao quý - Thầy Ba Đợi. Ông được xem là người đã có công truyền bá âm nhạc cung đình Huế trên đất Nam bộ, cải biên và định hình 20 bài bản tổ trong nghệ thuật đờn ca tài tử - sau này phát triển thành ca ra bộ rồi đến cải lương.

Nói về ý tưởng của kịch bản, đồng thời cũng là những gì mình gửi gắm thông qua nhân vật chính của vở diễn Thầy Ba Đợi, tác giả Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: “Tại sao tôi lại viết vở thầy Ba Đợi vì năm nay chúng ta kỷ niệm 100 năm cải lương và người có công kết hợp âm nhạc và nghệ thuật diễn xướng là ông Nguyễn Quang Đại. Thực ra những tư liệu về ông Nguyễn Quang Đại không nhiều, chỉ biết cụ là như thế. Nhạc quan của triều đình rồi sau này trôi dạt về phương Nam, còn những chi tiết về đời sống cũ, tình cảm cũ tác giả phải hư cấu. Anh em có đặt vấn đề chuyển từ kịch bản văn học làm sao mà có thể dựng ra bức tranh 100 năm cải lương. Đây quả là một việc rất khó”

Nội dung vở tập trung tái hiện giai đoạn Nhạc quan Nguyễn Quang Đại vào Nam và bị giặc Pháp truy đuổi do ủng hộ phong trào Cần Vương  yêu nước. Tại đây ông đã được con gái quan tổng đốc giúp đỡ và có mối tình dang dở với nàng… Tác giả đã rất khéo léo khi tạo nên số phận của ông Đợi khá thú vị, và thông qua những tình huống, những hoàn cảnh và nỗi niềm của người nghệ sĩ yêu nước, đau đáu khát vọng muốn mang tinh hoa của nghệ thuật dân tộc đến với đông đao quần chúng bình dân, đồng thời cũng qua đó tái hiện cả bối cảnh xã hội Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Với sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ, có lẽ đây là lần đầu tiên, một lực lượng lớn diễn viên hai miền Nam - Bắc, với nhiều thế hệ diễn viên, kết hợp cùng nhau trong một vở diễn. Là vở kỷ niệm một thế kỷ sân khấu cải lương, các tác giả của vở Thầy Ba Đợi mong muốn đây là dịp giới thiệu với khán giả lực lượng nghệ sĩ cả nước, từ thế hệ vàng ngày trước như NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hùng Minh… đến những thế hệ kế thừa như NSND Vương Hà, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Quế Trân, Trần Quang Khải, Võ Minh Lâm…

Thầy Ba Đợi và tâm hồn thấm đẫm tình yêu nước - ảnh 2

Một điểm đặc biệt trong vở là các nhân vật ở vùng miền nào sẽ dùng ngôn ngữ và hát giọng theo vùng miền ấy. Nhân vật Thầy Ba Đợi được 4 diễn viên cùng thể hiện, đầu tiên là NSƯT Nguyễn Xuân Vinh. Diễn viên Quang Khải , NSƯT Lê Tứ và NSƯT Thanh Tuấn

NSƯT Triệu Trung Kiên - Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, một trong hai đạo diễn của vở cho biết: “Ý chính mà ekip muốn nhắn đến là lòng yêu nước của nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Tâm niệm làm thế nào để gìn giữ được âm nhạc trong bối cảnh bị thực dân Pháp xâm chiếm. Và xu hướng Tây hoá diễn ra ở khắp nơi, ông thấy rằng là di sản ông bà để lại rồi sẽ mất và giữa bối cảnh đó, văn hoá Nam bộ chỉ có một cách lưu giữ duy nhất đó là gửi vào trong dân. Ông đã kết hợp văn hoá vùng miền Nam bộ với tâm hồn người Nam bộ để trở thành âm nhạc tài tử Nam bộ. Âm nhạc tài tử bắt đầu được đưa lên sân khấu, tham gia trong quá trình giải trí đó cũng là khoảnh khắc đấu tranh cho nội tâm của ông Đợi, ủng hộ hay không ủng hộ xu hướng đó. Ông muốn cho dân hưởng thụ chứ không muốn là phương tiện cho dân kiếm tiền, phục vụ tầng lớp hướng ngoại. Và khi âm nhạc tài tử diễn biến xa nữa trong các tiết mục trà dư tửu hậu thì ông rất đau đớn. Và chính đau đớn đó, ông đã lìa trần với một nỗi buồn vô cùng lớn lao. Kịch xoay quanh những lát cắt, tâm tư của ông Đợi như vậy”.

Thầy Ba Đợi và tâm hồn thấm đẫm tình yêu nước - ảnh 3

Nghệ sĩ trẻ Trần Quang Khải, diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam, người có vinh dự được thể hiện nhân vật Nhạc quan Nguyễn Quang Đại chia sẻ: “Quang Khải may mắn được thể hiện nhân vật thầy Ba Đợi trong giai đoạn trẻ. Đó là một may mắn vì được đứng trên sân khấu cùng rất nhiều nghệ sĩ gạo cội ở phía Nam. May mắn là học hỏi được rất nhiều nghệ sĩ tài danh. Thứ hai, cái thú vị của nhân vật thầy Ba Đợi là xuất xứ từ miền Trung và Khải sẽ thoại bằng tiếng miền Trung, tập luyện làm sao để ra được cái chất của người miền Trung. Quang Khải sinh ra ở miền quê xứ Nghệ, rời quê hương hơn 20 năm, bây giờ được nói tiếng mẹ đẻ của mình cũng là một niềm hạnh phúc".

Còn sau đây là chia sẻ của NSUT Quế Trân, một trong những nghệ sĩ nổi tiếng của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và sân khấu cải Nam Bộ “Vai diễn của Trân là Ái Hoa, cô gái sống trong xã hội phong kiến nhưng mạnh mẽ, âm thầm che chở cho những người yêu nước. Đó chính là thầy Ba Đợi, một nghệ sĩ tài hoa, có lẽ chính nhân cách, tâm hồn tài hoa này hun đúc cho cô thêm nghị lực sức mạnh để bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ những người lương thiện”

Cũng theo Đạo diễn, NSUT Triệu Trung Kiên, vở diễn Thầy Ba Đợi không chỉ đơn thuần là một vở diễn ra mắt trong dịp kỷ niệm Một thế kỷ ra đời sân khấu Cải lương, qua tác phẩm, tác giả kịch bản PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, ê kịp dàn dựng và toàn bộ đội ngũ nghệ sĩ của hai Nhà hát, hai đơn vị biểu diễn hung hậu nhất của sân khấu cải lương hiện nay xem đây là dịp thử nghiệm những yếu tố mới. Cái mới đó không hẳn phải là những gì to tát, mà trước tiên là loại bỏ những nhược điểm khiến không ít khán giả hôm nay không còn mặn mà với nghệ thuật cải lương, đưa sàn diễn cải lương trở nên cần thiết, gần gũi và không thể thiếu với đông đảo công chúng. Điều mà nhạc sư Nguyễn Quang Đại – Thầy Ba Đợi đau đáu đến tận khi nhắm mắt.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác