Thị Lộ Chính Danh phiên bản mới

(VOV5) - Tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Khắc Nghiêm đem đến cho bạn đọc một hình dung “chính danh” trong suy tưởng của nhà văn về nhân vật lịch sử hấp dẫn Nguyễn Thị Lộ.
Thị Lộ Chính Danh phiên bản mới  - ảnh 1

Tiểu thuyết lịch sử Thị Lộ chính danh phiên bản mới của cố nhà văn Võ Khắc Nghiêm vừa ra mắt, do San Hô Books và NXB Thanh niên ấn hành.

Đây là tiểu thuyết lịch sử mà nhân vật chính là Nguyễn Thị Lộ - nữ quan triều Lê Sơ, vợ thứ của Nguyễn Trãi.

Tên tuổi của Nguyễn Thị Lộ gắn liền với vụ thảm án Lệ Chi Viên xảy ra vào năm Nhâm Tuất (1442), dẫn đến cái chết oan khốc của vợ chồng bà và cái án “tru di tam tộc” dòng họ Nguyễn Trãi. Sau 18 năm, Nguyễn Trãi được minh oan, tư liệu lịch sử về bà Nguyễn Thị Lộ không có nhiều, nhưng bà đã trở thành hình tượng nhân vật đi vào rất nhiều văn học nghệ thuật nổi tiếng xưa nay.

Tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Khắc Nghiêm đem đến cho bạn đọc một hình dung “chính danh” trong suy tưởng của nhà văn về nhân vật lịch sử hấp dẫn này.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 “Thị Lộ Chính Danh”, theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, như một lời bào chữa hùng hồn nhất về những gì mà thi hào Nguyễn Trãi và bà Nguyễn Thị Lộ bị vu oan, kết tội cùng ba họ. Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên khẳng định: "Nhà văn Võ Khắc Nghiêm là người chuyên viết những tác phẩm đề tài hiện đại phản ánh những vấn đề nóng bỏng, bức thiết của đời sống. Thế nhưng khi tìm về quá khứ, ông quyết định viết tiểu thuyết lịch sử, chọn vụ án oan khủng khiếp giáng xuống đầu người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi và người vợ Nguyễn Thị Lộ. Khi nhà văn Võ Khắc Nghiêm chọn đề tài này là chọn một thử thách mà thử thách cực lớn. Tất nhiên ông viết với tâm nguyện muốn “chính danh” lại cho bà Nguyễn Thị Lộ, vì lâu nay cả chính sử phong kiến và cả những lời thêu dệt ở ngoài phần lớn đều buộc tội cho bà Nguyễn Thị Lộ. Nhà văn Võ Khắc Nghiêm không nghĩ vậy, ông viết cuốn tiểu thuyết này để minh oan cho bà Lộ.
Thị Lộ Chính Danh chính là cách để nhà văn Võ Khắc Nghiêm chính danh lại cho bà Lộ. Nhà văn dùng trí tưởng tượng của mình tạo ra một câu chuyện, dẫn dắt câu chuyện tạo ra các nhân vật rồi cho họ đối đáp, đối thoại với nhau; cho các hành động diễn tiến với nhau. Tiểu thuyết lịch sử như thế sẽ sinh động. Có những chỗ ông viết theo giọng văn dòng sử, có những chỗ ông dựng cảnh dựng người dùng lối văn rất linh hoạt, xúc động. Và do đó ông làm nhân vật Nguyễn Thị Lộ sinh động và hiển hiện trước mắt ta, có sự hấp dẫn và thu hút được người đọc,  Điều nhà văn muốn giải mã lịch sử nó cũng sẽ đi vào lòng người hơn

Cuốn sách với gần 500 trang gồm 16 chương, bao gồm cả “Vĩ thanh”. Các nhân vật được nhà văn Võ Khắc Nghiêm tái hiện vô cùng sống động. Đó là một Nguyễn Trãi trầm tĩnh, sâu sắc mà hào hoa, là một Trần Nguyên Hãi khí phách, hào sảng, là những danh tướng hùng dũng như Lê Sát, Lê Ngân, Trịnh Hoàng Bá…Và đặc biệt nhất, là Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ. Người đọc sẽ thấy bà ở mọi tình huống, trong cuộc sống đời thường và triều chính. Khi bà bán chiếu ở chợ Kinh kỳ, khi thì đi cùng Nguyễn Trãi bình thơ Đường, khi ở giữa những hoàng hậu, cung phi. Bà sớm nhận ra phẩm hạnh từ thời thiếu nữ của Ngọc Dao để giáo dưỡng và bảo vệ đến cùng, gây dựng nên một hoàng thái hậu nhân đức, Người đã sinh thành vị Hoàng đế vĩ đại Lê Thánh Tông…Không những thế, Nguyễn Thị Lộ luôn phải đối diện với những tham quan, lộng thần và luôn cảnh giác, bảo vệ Nguyễn Trãi, chồng bà và những công thần trước mưu gian kế hiểm của bọn quan tham.

Có thể nói, trong tác phẩm của Võ Khắc Nghiêm, Nguyễn Thị Lộ hiện lên thật lịch thiệp, tinh tế và sâu sắc một cách giản dị. Bên trong dáng hình của một người đàn bà mảnh mai, duyên dáng là một bản lĩnh, sức mạnh lớn lao luôn hướng thiện cho các khanh tướng, đại thần. Nhà văn mong muốn viết về một thứ “nữ hoàng không ngai”, qua đó biểu dương cốt cách của một người con gái Việt tự nhiên, hồn hậu, tinh tế lại lịch lãm.

Quyết định tái bản “Thị Lộ Chính Danh”, ngoài lý do là làm phong phú thêm tủ sách Giới mà San Hô Books đang từng bước xây dựng, theo anh Chu Đình Hoàng, Giám đốc San Hô Books còn có một lý do khác nữa mang ý nghĩa nhân văn: "Trong những ngày cuối đời thì nhà văn Võ Khắc Nghiêm cũng đã gửi gắm lại mong muốn của nhà văn là nhiều người biết đến nhiều hơn tác phẩm Thị Lộ Chính Danh không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Vì thế sau khi bản tiếng Việt ra mắt thì sắp tới chúng tôi sẽ dịch cuốn sách này ra nhiều thứ tiếng để phát hành ở các quốc gia khác nhau…"

Theo lời kể của ông Võ Khắc Thái, em trai của nhà văn Võ Khắc Nghiêm, trước khi tiểu thuyết “Thị Lộ Chính Danh” ra mắt lần đầu tiên vào năm 2015, thì trước đó nhà văn cũng đã viết kịch bản sân khấu về đôi vợ chồng tài sắc này mang tên “Mầm loạn”. Một hôm, hai anh em đem kịch bản này dâng lên bàn thờ Lễ Nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ tại đền thờ bà ở Khuyến Lương, Hoàng Mai, Hà Nội. Lúc trở ra, ông thấy nhà văn Võ Khắc Nghiêm có vẻ trầm ngâm, ông hỏi thì anh trai bảo: “Hình như bà Nguyễn Thị Lộ không ưng tác phẩm này”. Thế rồi sau đó nhà văn Võ Khắc Nghiêm dồn hết tâm sức để viết “Thị Lộ chính danh”, bởi theo ông chỉ có tiểu thuyết mới chuyển tải hết những điều ông muốn nói, mới lột tả hết những tâm tư suy nghĩ, những xung đột nội tâm trong con người bà Lễ Nghi học sỹ.

Cầm trên tay cuốn sách “Thị Lộ Chính Danh” phiên bản mới dày dặn hơn, khổ rộng hơn, bìa cứng với hình vẽ minh họa ấn tượng của họa sỹ Kim Duẩn, ông Võ Khắc Thái không nén nổi xúc động: "Gia đình rất cảm động khi tham dự buổi ra mắt sách này, và càng cảm động hơn nữa khi mà nhà văn Võ Khắc Nghiêm ốm nặng đang nằm trên giường bệnh thì San Hô Books đã gấp rút in ngay một cuốn đầu tiên và duy nhất đem đến cho nhà văn. Ông đặt cuốn sách ngay đầu giường để ai đến thăm ông cũng có thể nhìn thấy…"

Sinh thời, nhà văn Võ Khắc Nghiêm từng tâm sự: “Dù lực bất tòng tâm thì cũng cố khơi mạch sống văn chương đích thực của thế kỷ bùng nổ thông tin và hội nhập toàn cầu.” Và với Thị Lộ chính danh, ông đã rất thành công với nỗ lực khơi mạch sống văn chương đích thực ấy.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác