(VOV5) - Buổi giao lưu “Tiếng Thơ trong lòng tiếng nói Việt Nam” như một buổi tri ân, ôn lại những xúc cảm đẹp mà chương trình Tiếng thơ đem lại.
BTV Anh Thư và nghệ sĩ ngâm thơ Ngọc Thọ |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong một buổi sáng mùa xuân se lạnh, cũng là ngày cuối cùng tại Hội báo toàn quốc 2019, tại gian trưng bày của Đài tiếng nói Việt Nam, không gian dường như trở nên ấm áp hơn với buổi giao lưu “Tiếng thơ trong lòng tiếng nói Việt Nam” do Ban Văn học – nghệ thuật VOV6 thực hiện.
Có cả gương mặt của những nhà thơ, biên tập viên thân thuộc với chương trình Tiếng thơ và cả những người trẻ, mà có lẽ là lần đầu trực tiếp nghe ngâm thơ. Nhưng không phân biệt, tất cả cùng chung niềm say mê lắng nghe những tiếng ngâm thơ và cùng giao lưu, chia sẻ những xúc cảm dành cho Tiếng thơ.
Tiến sĩ ngôn ngữ học Phạm Văn Tình bày tỏ cảm xúc với Tiếng thơ |
Tiến sĩ nghiên cứu ngôn ngữ học Phạm Văn Tình là người gắn bó với Đài tiếng nói Việt Nam từ khi còn rất trẻ. Cho đến nay, ông vẫn cộng tác cùng chương trình Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Ông tâm sự bản thân nếu muốn làm ngôn ngữ học tốt thì điều đầu tiên phải yêu văn thơ. Đó là một trong những lí do ông gắn bó với chương trình Tiếng thơ của Đài.
Và hơn hết là vì những xúc cảm mà Tiếng thơ dành cho ông trong những năm tháng đã đi qua. “Tôi không biết định nghĩa thơ như thế nào nữa. Thơ là tiếng lòng nhưng cũng là tiếng đời. Tôi lớn lên bằng những bài thơ lục bát, ca dao và thơ Tố Hữu. Tôi lớn lên cả bằng tiết mục Tiếng thơ. Tôi nghe tiết mục Tiếng thơ, rất nhiều lần tôi đã phải khóc bởi những giai điệu như rót vào trong tâm can mình, và tạo cho mình những cảm hứng. Và tôi yêu cuộc sống này hơn chính vì thế”.
Nhà báo Thanh Thuỷ (VOV2) ngâm thơ trong chương trình. |
Nhắc đến Tiếng thơ, là nhắc đến sự đóng góp của thế hệ rất nhiều những nghệ sĩ ngâm thơ như NSƯT Linh Nhâm, nghệ sĩ Trần Thị Tuyết, Châu Loan, Vũ Kim Dung… Chính họ đã tạo nên sức hấp dẫn cho Tiếng thơ.
Nhạc sĩ Đỗ Anh Vũ đóng góp một bài do anh phổ nhạc từ thơ |
Nghệ sĩ Thanh Thuỷ, một học trò của NSƯT Vũ Kim Dung kể lại kỷ niệm: “Ngâm thơ quả là cái duyên, tôi đến với Đài tiếng nói Việt Nam cũng bắt đầu từ ngâm thơ. Khi tôi gặp NSƯT Vũ Kim Dung ở Cung Văn hoá Lao động hữu nghĩ Việt Xô trong một chương trình thơ, nghệ sĩ đã thấy giọng ngâm của tôi là có thể phát triển nên nghệ sĩ đã đào tạo và đưa về thu thơ ở những buổi thu thơ của Đài tiếng nói Việt Nam. Tôi nhớ bài thơ đầu tiên tôi được phát trên sóng là bài “Trong mưa” của nhà thơ Vân Long, và hôm đó nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, là BTV của chương trình báo cho tôi nghe bài thơ phát sóng, quả thực tôi đã hồi hộp mất ngủ cả một đêm”.
Nghệ sĩ Ngọc Thọ |
Đối với họ, nhận được sự yêu mến và trân trọng của chính những nhà thơ và bạn nghe Đài là món quà vô giá. Nghệ sĩ Ngọc Thọ - một giọng ngâm thơ quen thuộc kể lại: “Khi nhận được kịch bản thơ của một nhà thơ nào đó, tôi đều có sự nghiên cứu để xem bài thơ đó ý của tác giả đề cập đến vấn đề gì, chỗ nào là trọng tâm của bài thơ, chỗ nào trút tình cảm thật nhiều để tập trung nghiên cứu kỹ, để từ đó mình có sự đồng cảm với nhà thơ. Đó là một món quà rất lớn đối với tôi. Rất nhiều nhà thơ sau khi ở phòng bát âm ra đến ôm chầm lấy tôi và khen rằng anh Thọ hiểu mình quá. Câu nhận xét đó như là một sự động viên thúc đẩy tôi với những lần thu thanh tiếp theo”.
Nhà thơ Lê Đức Nghinh ngâm thơ |
Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, khi nhiều hình thức, phương tiện nghe – nhìn lên ngôi, để Tiếng thơ đến với đông đảo khán giả có lẽ cần nhiều cách thể hiện mới mẻ. Đó cũng là những nỗ lực mà đội ngũ biên tập viên của chương trình đang hướng đến.
Tại buổi giao lưu TiếngThơ trong lòng tiếng nói Việt Nam, nhà thơ Lê Đức Nghinh bày tỏ: “Tiếng thơ như ngấm vào trong máu từ khi còn đang là học sinh tiểu học. Tôi yêu thơ ngay từ ngày còn đang rất nhỏ, và cũng thuộc thơ của rất nhiều nhà thơ. Tôi mong muốn chương trình tiếng thơ lan toả đến cộng đồng xã hội, có một sức cuốn hút mạnh mẽ hơn. Tôi đã biết Đài luôn liên tục đổi mới chương trình Tiếng thơ. Qua những theo dõi chương trình nói chuyện trên Đài tiếng nói Việt Nam của những nhà thơ và những bạn yêu thơ. Nó có sức truyền tải rất lớn.”