Trần Đăng Khoa - gã phù thủy chữ đùa giỡn với thượng đế và thánh thần

(VOV5)- Nhờ tài năng rất đặc biệt của Trần Đăng Khoa, Đảo chìm đã tạo nên một cuốn sách bề thế về nghệ thuật và tư tưởng.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ có bài "Trần Đăng Khoa - gã phù thủy chữ đùa giỡn với thượng đế và thánh thần" phân tích sâu về những tác phẩm văn xuôi xuất sắc của Trần Đăng Khoa - thần đồng thơ thiếu nhi một thuở. Tạp chí văn nghệ của chúng tôi xin trích giới thiệu cùng quý vị một phần bài viết, bàn về cuốn Đảo chìm gây xôn xao dư luận một thời.


Đảo chìm - một cuốn tiểu thuyết mini xuất sắc.

Đảo chìm là cuốn tiểu thuyết ngắn, nếu tính lượng chữ, nó chỉ như một truyện ngắn viết dài. Cuốn sách xuất bản từ 1980 và, cho tới tận năm nay 2015 nó vẫn được tái bản, nối bản, có năm đến vài lần, sau nhiều năm vẫn tiếp tục tái bản lại được Khoa sửa chữa cho văn bản càng tinh vi hơn.

Trần Đăng Khoa - gã phù thủy chữ đùa giỡn với thượng đế và thánh thần - ảnh 1
"Phù thủy chữ nghĩa" Trần Đăng Khoa


Tôi đọc Đảo chìm lần đầu tiên khi Khoa năm 2001 mang sang tận Đức tặng. Đọc trong khi bán hàng, trên một con phố thuộc thành phố nhỏ Teltow, giữa trời âm 15, 20 độ C; khi ấy, quanh tôi băng tuyết ngút ngát, trắng trời. Khách thưa vắng, tôi đọc say mê tới độ khi khách mua hàng tới cất tiếng hỏi chủ quán, tôi mới giật mình đứng dậy buông sách bán hàng cho họ. Ngày hôm ấy, tôi đã khóc rất nhiều khi đọc Đảo chìm. Sau này, ngờ rằng, vì xa quê hương, nên tâm thế khi đó như vậy. Nhưng không phải, hai lần sau, tôi đọc lại nó tại Hà Nội. Sau quãng cách 15 năm, Đảo chìm vẫn làm tôi xúc động như thế, vẫn nhiều lần phải bỏ sách xuống cho tình cảm lặng đi, để mà đọc tiếp.


Đảo Chìm là câu chuyện kể về các chiến sĩ hải quân giữ đảo. Những câu chuyện n
hỏ, được bàn tay tài hoa xâu chuỗi gắn kết thành một chuyện dài. Câu chuyện về hòn đảo nhỏ, có những nhân vật cụ thể, từ tướng lĩnh đến anh lính đều là người thật việc thật; cả vật thể cụ thể như cái lều bạt, sàn boong tàu, cái giường tầng, ba lô, tới sinh vật như con lợn v.v...được gắn kết mà làm nên thiên truyện về một hòn đảo lênh đênh nhỏ tí tẹo tẻo teo giữa trùng khơi: Đảo chìm.


Trần Đăng Khoa với Đảo chìm đã không chỉ vẽ ra, không chỉ mô phỏng một hoàn cảnh sống khắc nghiệt đầy hy sinh của chiến sĩ nơi đảo xa, mà quan trọng hơn là thái độ sống của họ, sự suy nghĩ ứng xử của họ với nhau, và với thiên nhiên . Trong Đảo chìm nhiều câu chuyện, sự việc đều xoáy sâu làm nổi lên rất rõ tinh thần trách nhiệm của các chiến sĩ giữ đảo – từ tướng đến binh sĩ. Trần Đăng Khoa đã dựng nên một khung cảnh rất kì vị và lạ lẫm. Một vùng biển xa, cái đảo rất nhỏ, lại chìm sâu dưới nước. Nghĩa là chưa có đảo, thì còn có chuyện gì để nói. Vậy mà lại có bao chuyện. Mà chuyện lại hấp dẫn, hàm chứa những ý tưởng sâu xa, với bút pháp câu và chữ tinh quái, biến vật và người trở nên sống động, hiện ra rất rõ, mồn một trước mắt bạn đọc. Không phải chỉ là sự khắc họa những con người, vật thể cùng thiên nhiên rất hóm, mà Đảo chìm còn là một cuốn sách rất hấp dẫn, khai thác từ những điều tưởng như nhỏ bé hoặc không có gì đáng nói. Như một ngôi nhà lớn xây lên từ cát, kết dính nó lại thành một tổng thể, một vẻ đẹp đến mê hoặc là tài năng và tình yêu của tác giả, một nhà văn thực sự hiểu thấu linh hồn của con người và sự vật.


Nếu lấy độ dày, cốt truyện hay số lượng các nhân vật trong các cuốn tiểu thuyết kinh điển để so đọ thì có người sẽ nói cuốn sách chưa phải là tiểu thuyết. Ở đây còn thiếu cả những cao trào và mâu thuẫn giằng xé.


Nhưng nhờ tài năng rất đặc biệt của Trần Đăng Khoa, Đảo Chìm đã tạo nên một cuốn sách bề thế về nghệ thuật và tư tưởng. Nói riêng nơi ở của Hai Ùm thôi, nếu một người non tay nghề, thì dường như ở nơi trống không ấy, trên là trời dưới là nước, một cái lều bạt bé xíu giữa biển, có lẽ chả có gì để viết, mà viết cũng nhạt phèo. Nhưng chỉ ở cái khoảnh nhỏ đủ duỗi chân thôi, Khoa đã dựng nên bao chuyện cười đến chảy nước, mà rồi lại xót xa quặn thắt. Nhiều sự vật và sự việc với những người viết khác tưởng như quá sơ sài, nhạt nhẽo, song với đôi mắt quan sát kĩ lưỡng tinh tế, Khoa vẫn tạo nên những trường đoạn cuốn hút, làm ra cái đặc sắc nhất là từ khoảnh sống bé đến không đủ một cái duỗi chân, tác giả nhìn thấu ra linh hồn của nhân và vật. Nhìn rõ tâm hồn anh lính Hai Ùm, Tư Xồm, chính trị viên Thuận. Nhiều chương như vậy, với sở trường, sở đoản như vậy, đã giúp cho cuốn sách liên tục cuốn hút, hấp dẫn.

Đảo chìm đứng được, vững vàng trong biển cả văn chương bây giờ, nhờ ở cái duyên kể chuyện, ở giọng kể không lẫn vào bất kì một giọng văn nào, đây là một thế mạnh ít ai có được trong văn xuôi nói chung.


Đọc Đảo chìm tôi hay liên tưởng tới nghệ thuật sắp đặt: có một hòn đảo chưa thành đảo, một cái chòi bạt lênh đênh giữa mây nước, trên đó có một nhà họa sỹ sắp đặt có tên quen thuộc là Khoa; gã đã bầy ra các chiến sĩ và vị tướng cùng súng ống và nhiều vật dụng giản dị, ít ai chú ý.... Tất cả, người và vật ấy đều trở thành những tác phẩm điêu khắc, chạm trổ hết sức điệu nghệ và tinh vi.


Điều thứ hai tôi muốn nói về Đảo chìm liên quan tới nghệ thuật viết tiểu thuyết hay nói chung là văn xuôi, bao gồm cả truyện ngắn. Nhiều nhân vật ở Đảo chìm có thật. Song công chúng không cần nhà văn nếu anh ta bê tất cả sự thật vào trang sách. Đảo chìm được tác giả pha trộn giữa sự thật trần trụi với một sự thật khái quát. Và rồi một sự thật mới lại được tạo dựng ở những sự thật đơn lẻ trong đời sống có tính chắt lọc. Điển hình thứ nhất là đoạn vị tướng với anh lính. Ở trường đoạn này, Khoa bịa hoàn toàn một cảnh huống cho vị tướng và binh sĩ gặp gỡ, đối thoại. Nhưng dù bịa, nhiều người đã sống với tư lệnh hải quân vẫn nhận ra những nét rất khái quát về tính tình, cách nói năng giản dị chan hòa của vị đô đốc hải quân này. Ở đây nghệ thuật - bút pháp xây dựng nhân vật đã ở vị thế kinh điển bậc thầy, lại vói giọng điệu đầy hài hước mang âm hưởng dân giã, quê mùa, tạo nên một chương như một đoản văn cực kì thú vị. Người đọc bật cười chảy nước mắt với những đoạn đối thoại như hai cha con, chả còn phân cực trên dưới, kiểu nhà binh quan cách của Tướng và lính. Nó tạo ra một âm hưởng rất sâu sắc, khắc chạm tinh thần của một đội quân vì nhân dân, từ nhân dân mà ra, khi họ đều là những nông dân khoác áo lính. Nó càng gây xúc động hơn khi từ những điều nhỏ mọn, chi tiết lặt vặt đến phi lí như xúc cát giấu đảo, mà rồi gói trọn vào đấy điều thiêng liêng nhất của dân tộc, trách nhiệm và tình yêu khi nhân dân trao cho người lính gìn giữ từng tấc đất, từng mét biển đã thấm máu của tổ tiên.


Điển hình thứ hai là tác giả xây dựng hư cấu trong dãy những nhân vật có thật cũng rất khéo léo gây ám ảnh, ấn tượng mạnh. Ví dụ như nhân vật con lợn chẳng hạn. Sự thật trên đảo chỉ nuôi chó. Nhưng chó thì thường quá, chứ lợn mới là lạ. Con chó người nuôi chính để canh nhà, con lợn nuôi để thịt. Khi con lợn đặt trong hoàn cảnh thiếu thốn thực phẩm ghê ghớm ở đảo, nhưng khao khát tình cảm, khao khát đời sống tình thần còn lớn hơn nhiều, vì thế con người ta bộc lộ rõ ràng nhiều mặt nhất thuộc về bản năng và bản ngã. Chính vì thế người đọc dở cười dở khóc khi Trần Đăng Khoa mô tả con lợn nghệ sĩ với bao nhiêu tình huống khóc cười. Con lợn lại mang tên Nàng An Ta Ra Mê Na đã không phải chết để no cái dạ dầy của chiến sĩ làm nên cái kết có hậu khá hợp lý. Sự tạo dựng có chủ ý sâu sắc như thế, vừa nói lên cái tình của người lính, dám vượt qua bản năng bình thường, với nhu cầu bình thường ở một hoàn cảnh không hề bình thường. Chính trường đoạn này, thông qua câu chuyện người với lợn, đã phản ánh cái tình của con người trong những hoàn cảnh trớ trêu, người lính nơi giữa muôn trùng sóng gió đói con người, đói tinh thần còn hơn cơn đói thịt, đói rau. Mặt khác, trường đoạn này cũng phản ảnh những khó khăn vật chất trên đảo, gói trọn điều nặng trĩu trên đảo xa: Sự thiếu thốn tình cảm của người lính đảo lớn hơn rất nhiều so với sự thiếu thốn về vật chất. Với cách xây dựng nhân vật đầy dụng tâm dụng ý như thế, Trần Đăng Khoa đã rung lên ở mỗi người đọc, trong sâu thẳm con người nhiều nỗi niềm, tạo ra các cung bậc để đủ xúc động mà khơi gợi thêm lòng nhân ái. Đây cũng vừa là nghệ thuật diễn cảm, diễn ngôn của tiểu thuyết, vừa là thi pháp vừa là mục tiêu, cái đích cần nhắm cao nhất của văn chương: bồi đắp vun trồng Tính người trong xã hội phức tạp, tha hóa hôm nay. Và, Trần Đăng Khoa đã làm được điều đó một cách tinh tế và sâu sắc, chỉ trong một cuốn sách không dài, đã chọn con đường rất thông minh để đóng góp cho văn học, một dạng tiểu thuyết sinh động và tề chỉnh mà không giống với bất cứ một cuốn tiểu thuyết nào. Nhà văn không chối từ hiện thực. Chúng tôi hay nói đùa rằng Bịa như thật. Điều đó làm nên tính thuyết phục. Nó là sự thật còn cao hơn cả sự thật.

Khoa là phù thủy của văn chương, của con chữ cũng là như thế.

Phản hồi

Các tin/bài khác