Truyện Kiều của Nguyễn Du dưới cách nhìn minh triết Việt

(VOV5) - Trong thời đại 4.0 hiện nay, có nhiều cách tiếp cận thông tin để giải đáp những thắc mắc cũ hoặc đưa ra những giả thuyết mới về những góc khuất trong lịch sử “Truyện Kiều” .

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:

Hội thảo Minh họa “Truyện Kiều” dưới cách nhìn minh triết Việt nhân kỉ niệm 200 năm ngày mất của danh nhân văn hóa thế giới - đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (sinh 1765 – mất 1820) vừa diễn ra tại Hà Nội, do Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức.

Bên cạnh những thông tin mới, công chúng còn được thưởng lãm các tác phẩm tranh được lấy cảm hứng từ truyện Kiều của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn. 

Truyện Kiều của Nguyễn Du dưới cách nhìn minh triết Việt - ảnh 1Triển lãm tranh bên lề hội thảo tại L'space - Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân. 

Hội thảo diễn ra bên không gian văn hóa trưng bày các tác phẩm vẽ Kiều của họa sĩ - nhà giáo Nguyễn Tuấn Sơn. Ông là người sáng lập xưởng Hội họa và thiết kế đồ họa Picas Sơn, là tổ trưởng bộ môn Mỹ thuật của trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành – Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1999, ông bắt đầu sáng tác tranh lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều”Sau đó một năm, triển lãm tranh cá nhân của ông đã được tổ chức tại Hà Nội.

Vẽ Kiều năm 1999, các tác phẩm của họa sĩ không chỉ minh họa tác phẩm “Truyện Kiều” mà là vẽ theo xúc cảm, cảm hứng theo phong cách trừu tượng. "Lúc đầu chỉ có vài bức, càng vẽ thì càng có nhu cầu tìm hiểu văn bản truyện Kiều, sưu tầm các bài khảo cứu “Truyện Kiều” và hiểu rõ được 3.254 câu Kiều, đến nay họa sĩ đã có gần 5.000 tác phẩm."

Bên cạnh đó ông còn sưu tầm sách Kiều cổ, tìm hiểu thân thế và sự nghiệp đại thi hào Nguyễn Du, các mối quan hệ, những chặng đường danh nhân từng đi qua. Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn chia sẻ: “Tôi đến với tác phẩm truyện Kiều của cụ Nguyễn Du với những nhân duyên hết sức đặc biệt. Có những hôm ngủ dậy, tôi mơ về cụ và ngay lập tức bật dậy và vẽ chân dung của cụ. Tôi vẽ cụ trong khoảng 5 phút bằng những nét vẽ rất nhanh. Và tôi đã làm được một việc, là liệt kê, vẽ được các biểu tượng của các nhân vật trong Truyện Kiều. Ví dụ với tôi vẽ nàng Kiều là vẽ cùng đàn nguyệt.  Trong quá trình nghiên cứu truyện Kiều, tôi được gặp gỡ các học giả vô cùng đáng kính, đem lại cho tôi nguồn cảm hứng để sáng tác.”

Truyện Kiều của Nguyễn Du dưới cách nhìn minh triết Việt - ảnh 2Tranh Kiều 3 của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn. 

Kiệt tác “Truyện Kiều” với 411 câu thơ sử dụng các con số. Đâu là ý nghĩa biểu đạt ước lệ của các con số đó? Tìm hiểu cách sử dụng con số của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” dưới cách nhìn minh triết Việt là đề tài mới mẻ, thú vị và cần thiết trong công tác nghiên cứu, giảng dạy. đã được nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn phân tích kỹ lưỡng. Ông là tác giả, đồng tác giả và chủ biên của nhiều tác phẩm trong đó có Truyện Kiều bản UNESCO, NXB Lao động; Truyện Kiều dưới góc nhìn con số và thành ngữ số dân gian, NXB Thanh Hoá ; Bói Kiều, NXB Văn hoá dân tộc.

Ông nêu ví dụ để hiểu về cách sử dụng con số của Nguyễn Du, trong một thành ngữ quen thuộc diễn giải phẩm chất của con người diễn trình trong cuộc đời, như phẩm chất ‘nghiêng nước nghiêng thành” của nàng Kiều: “Có lẽ câu Một hai nghiêng  nước nghiêng thành là một câu bản lề, câu từ khóa trong truyện Kiều. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng, “nghiêng nước nghiêng thành” là một thành ngữ của Việt Nam.Có thể ở bên Trung Quốc người ta có một câu chuyện là "nhất cố khuynh thành tái cố khuynh quốc" tức là ngoảnh một cái thì thành đổ mà ngoảnh một cái nữa thì nước tan vv... nhưng cái đó chỉ là nói về giá trị sắc đẹp của một người phụ nữ.

Thực sự cấu thành của sắc đẹp ấy như thế nào để trở thành “nghiêng nước nghiêng thành” thì cụ Nguyễn Du dẫn giải trong truyện Kiều rất rõ: điều đầu tiên là phải có nhan sắc đã và thứ hai là tài năng (phải luyện tập) và yếu tố thứ ba khó khăn nhất là sự thông minh, sắc sảo (cái trời cho). Ba yếu tố này mới cấu thành nên một phẩm chất để có thể trở thành “nghiêng nước nghiêng thành”. Còn đương nhiên quá trình để trở thành "nghiêng nước nghiêng thành" phải có thời gian, không gian và phải có điều kiện nhất định. Thế thì đây là câu nhận định về phẩm chất vẻ đẹp Thúy Kiều, mà chàng Kim Trọng mới "Ví chăng duyên nợ ba sinh/ làm sao cái thói khuynh thành trêu ngươi". Một phẩm chất “nghiêng nước nghiêng thành” cần có đủ có sắc sảo, tài năng và nhan sắc, nên "Một hai nghiêng nước nghiêng thành" chúng ta có thể hiểu rất đơn giản rằng, “có một chút nghiêng nước nghiêng thành”,  cái sự “nghiêng nước nghiêng thành” chưa đầy đủ. Mà trong đó "sắc đành đòi một, tài đành họa hai" - sắc đã đứng số 1, thì tài đứng số 2, nên Nguyễn Du viết là "sắc đành" mà "tài" thì cũng "đành".

Dụng ý của Nguyễn Du khi phân tích phẩm chất "nghiêng nước nghiêng thành", liên quan đến suốt cả Truyện Kiều, như là bản lề trong Truyện Kiều. Khi đọc truyện Kiều. các bạn sẽ dựa trên khung sườn ấy để ý tại sao Nguyễn Du phân tách làm ba như thế,  (trong quy luật tam nhất - bất cứ một sự việc, một quá trình, một tiến độ nào người ta đều phân ba). Kim Trọng khi tiếp xúc với Kiều thì cảm giác ban đầu là đến với nhan sắc, nhưng rồi lại chú trọng đến tài năng của Thúy Kiều. Còn khi Thúc Sinh đến gặp nhan sắc Kiều thì một tỉnh mười mê và chìm đắm luôn trong nhan sắc ấy, không còn chú ý đến tài năng và sự thông minh, sắc sảo của Thúy Kiều nữa. Còn Từ Hải đến với Thúy Kiều như thế nào? Nghe tên mộ tiếng nàng Kiều, nhưng Từ Hải có quan trọng  nhan sắc nàng hay không? Không quan trọng lắm! Tài năng? Có bao giờ nghe Kiều đàn đâu! Nhưng nhận ra ngay Thúy Kiều là một người thông minh, sắc sảo và một người tri kỷ với mình. Và lúc ấy, mới thấy vai trò đó là "cá nước duyên ưa", tức là nhờ phẩm chất của Thúy Kiều mà Từ Hải sẽ thành đạt. Và như thế Từ Hải đến với Thúy Kiều ở góc độ là một người phụ nữ sắc sảo. Và vì thế nên việc binh bị của Từ Hải thì Thúy Kiều cũng ở trong "trung quân luận bàn". - Nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn phân tích.

Truyện Kiều của Nguyễn Du dưới cách nhìn minh triết Việt - ảnh 3Các diễn giả tại hội thảo - Ảnh: Báo Quân đội nhân dân. 

Tại hội thảo, các diễn giả đã luận bàn từ phát biểu của GS Dương Quảng Hàm về danh tác “Đoạn trường tân thanh” trong Việt Nam văn học sử yếu (1943). Đồng thời, tiếp cận văn bản Hán văn để thấy rõ Thanh Tâm Tài Tử và Kim Vân Kiều truyện (bản đánh số A953) là tác giả, tác phẩm của người Việt. Dịch giả Lê Nghị ( là chuyên gia nghiên cứu Lịch sử Việt Nam, nguồn gốc tiếng Việt, từ tiếng Hán, Thăng Long - Hà Nội kí, lịch sử “Truyện Kiều”) cho rằng, Truyện Kiều xuất hiện trước tiên năm 1814. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra các chú giải lệch lạc về “Truyện Kiều” trong sách giáo khoa và các ấn bản, từ đó phản biện và kiến nghị cách chú giải mới về nguồn gốc Truyện Kiều.

Như việc chú giải câu “Trăm năm trong cõi người ta”, có tài liệu lại chú giải từ “trăm năm” trong câu thơ trên là “bách niên” dẫn đến người đọc sẽ hiểu sai về nghĩa của câu thơ: "Trăm năm trong cõi người ta" mà dịch là "bách niên" , không dính líu gì hết. "Trăm năm trong cõi người ta/ chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau", thì chữ "trăm năm" này có nghĩa là "xưa nay", từ xưa tới nay trong cõi người ta thì chữ tài chữ mệnh ghét nhau. Một nghĩa thứ hai của "trăm năm" là "lâu dài", ví dụ "trăm năm hạnh phúc",  đó là nghĩa "lâu dài". Một ý nghĩa nữa là trong hôn nhân người đâu gặp gỡ làm chi năm biết có riêng gì hay không", thì lúc này từ trăm năm có nghĩa là chuyện yêu đương, hôn nhân chứ không phải là "xưa nay" nữa. Rồi "trăm năm 1 nấm cỏ khâu xanh rì" là muốn nói một đời người." – Chuyên gia Lê Nghị giải thích.

Hội thảo cũng đặt ra vấn đề, trong thời đại 4.0 hiện nay, có nhiều cách tiếp cận thông tin để giải đáp những thắc mắc cũ hoặc đưa ra những giả thuyết mới về những góc khuất trong lịch sử “Truyện Kiều” để mỗi người tự suy ngẫm về lịch sử và văn hóa dân tộc Việt.

Nhân lễ tưởng niệm 200 năm Ngày mất đại thi hào Nguyễn Du, hội thảo đã giới thiệu tới công chúng cuốn “Kiều kinh”, bản kinh ngự dụng mà nhà in Công Thiện Đường dựa vào khắc in năm 1898, thời Vua Thành Thái. Sách được in khuôn mầu tía, mỗi trang đều có dấu cát tinh, chữ viết tay cùng các hình vẽ minh họa rất đẹp được họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn sưu tầm và gìn giữ nhiều năm nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác