(VOV5) - 39 bài thơ lục bát kể những câu chuyện nhỏ trong cuộc đời không ít vui buồn của ông. Nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa.
Nghe âm thanh bài và thơ Vũ Thung tại đây:
Cánh cò lời ru là tập thơ dành cho thiếu nhi mùa trung thu này của nhà giáo Vũ Thung - một con người giản dị, hiền hòa, đã góp phần đào tạo nhiều học trò trở thành những công dân ưu tú của đất nước.
39 bài thơ lục bát kể những câu chuyện nhỏ trong cuộc đời không ít vui buồn của ông. Nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa.
Những bài thơ đầu tiên trong tập được chắp bút từ buổi đầu có chương trình phát thanh Kể chuyện và hát ru cho bé trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, một chương trình dành cho trẻ mẫu giáo ra đời từ năm 2003, với mục đích giữ gìn và lan tỏa lời hát ru vốn đang bị lãng quên trong xã hội hiện đại. Và chương trình đã thu thanh nhiều bài thơ lục bát của ông, qua giọng ru ngọt ngào của nghệ sỹ nhân dân Vương Hà, nghệ sỹ ưu tú Văn Chương, nghệ sỹ ưu tú Minh Phương… Nhà giáo Vũ Thung cũng dùng thơ mình để ru các cháu nội ngoại từ thuở cháu mới lọt lòng:
Đêm đêm ru cháu quanh nhà
Trăm nghìn vạn bước ai mà đếm đo
(Mặt trời bình yên)
Đây là một cảnh thực. Và đây nữa:
Dựa tường cho bớt đau lưng
Hát ru cháu ngủ thức cùng canh khuya
Ù ù gió thổi ngoài kia
Ngủ ngoan tròn giấc ông che chắn rồi
(Ru cháu ru ông)
Nhà giáo Vũ Thung có sáu cháu nội ngoại. Cháu lớn nhất giờ đã học đại học. Cháu bé nhất đang ở bậc tiểu học. Các cháu đều ngoan và rất yêu ông. Cũng thật hiếm có người ông nào thích lắng nghe các cháu, theo dõi từng bước tập nói tập đi và dành cho các cháu những chăm sóc ân cần chu đáo như thế. Từ niềm vui chờ đợi khi “dọn nhà đón cháu về chơi”, đến cảm giác hồi hộp khi chứng kiến đôi bàn chân bé nhỏ “chập chững cháu bước đi rồi”. Hay khi nghe cháu tập nói “líu lo như thể chim non”. Hay lúc đọc thơ cháu “xốn xang lòng dạ bồn chồn nhớ thương”. Con lớn lên rồi, Đường con đi, Lời ru cái ngủ, Lời ru cái nón, Gió ru…vv… Rất nhiều bài thơ đã được định hình ý tứ - câu chữ khi ông ru cháu ngủ, dỗ cháu cho các con đi làm, và chơi cùng cháu:
Cháu làm nghé ông làm trâu
Chơi trò nghé ngọ cụng đầu vào nhau
(Chơi trò nghé ngọ)
Trắng đêm đi mỏi lại ngồi
Bao sợi tóc bạc ru lời yêu thương
(Ru lời yêu thương)
Ru cháu mà như ru mình… Tác giả Vũ Thung từng thốt lên như vậy. Trong khi ru cháu ngủ, vào buổi trưa, buổi chiều, ban ngày và không ít ban đêm, ông thực hiện thêm một hành trình nữa, hành trình trở về tuổi thơ, trở về quê hương, với dòng sông, con đò, cánh cò trắng muốt… Nhờ đó, khung cảnh thơ mộng của vùng nông thôn Bắc Bộ tưởng đã biến mất chợt trở lại, như một giấc mơ đầy tiếc nuối:
Rung rinh quỳnh mở cánh rồi
Hiu hiu gió mát đầy trời trăng sao
Cò về đậu ngọn tre cao
Cá về đớp ánh trăng sao mặt hồ
(Lời ru cái ngủ)
Đặc biệt thiêng liêng, trong hành trình trở về ấy, là được gặp lại mẹ:
Mẹ ta suốt cả cuộc đời
Gom nhặt nắng ấm tặng người cỏ cây
(Mẹ)
Ở tuổi tám mươi, ông vẫn mơ về mẹ, mơ về tuổi lên mười được vỗ về bởi bàn tay mẹ, lời ru mẹ. Đó là điều rất bình thường. Huống chi, ông lại sớm mồ côi. Ru cháu và phần nào ru mình, là thế. Trong lời ru, là thiết tha bao mong ước cháu nên người, được đặt chân đến những miền đất mới, được hạnh phúc trong cuộc đời, và đừng quên gốc gác quê hương:
Đó đây nào phải dặm trường
Cũng là góc bể tha hương chân trời
(Tiễn cháu)
Trân trọng giới thiệu cùng các bạn tập thơ ấm áp và độc đáo này - tập thơ của một người ông ru cháu!