(VOV5) - Hầu hết bạn bè quốc tế chỉ biết đến Việt Nam qua câu chuyện về cuộc chiến, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, hoặc thơ ca Hồ Chí Minh..
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài cho đến nay vẫn là một vấn đề làm “đau đầu” nhiều người trong cuộc, nhất là trong bối cảnh “nhập siêu” văn hóa, rất nhiều tác phẩm văn học nước ngoài được dịch ở Việt Nam trong nhiều thể loại và đề tài khác nhau.
Hầu hết bạn bè quốc tế chỉ biết đến Việt Nam qua câu chuyện về cuộc chiến, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, hoặc thơ ca Hồ Chí Minh...Nhà thơ Gustavo Pereira của Venezuela cho biết: “Những năm 60, tôi đã được đọc “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh được dịch từ tiếng Pháp tới tiếng Tây Ban Nha. Từ những năm 79 đến giờ, khoảng cách và rào cản ngôn ngữ đã khiến chúng tôi không có nhiều cơ hội để hiểu thêm về văn hóa và con người Việt Nam."
Một số bản dịch Truyện Kiệu |
Một người bạn của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Fernando Rando của Columbia cũng bắt đầu quan tâm tới văn chương Việt qua tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Từ rất trẻ, gia đình tôi đã biết về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Từ những đất nước anh em bạn bè như Nga và Cu Ba, chúng tôi đã biết đến các tác phẩm văn học của Việt Nam. Trong đó có “Nhật ký trong tù” và nhiều tác phẩm của Bác Hồ. Sau đó với festival Mê-đi-zing, do tôi làm giám đốc, chúng tôi thường mời các nhà văn nhà thơ Việt Nam sang đó, cùng trao đổi các tác phẩm viết hoặc đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha.”
Nhiều nơi trên thế giới, văn học Việt như vậy, vẫn thuần túy dừng lại ở mức độ được giới thiệu một vài tên tuổi lớn. Ở khu vực nói tiếng Anh, tình hình dịch thuật văn học Việt có vẻ khả quan hơn, nhất là với sự góp sức của Trung tâm William Joiner , Đại học Massachusetts, Mỹ. Bạn đọc tiếng Anh biết nhiều đến văn chương Việt hơn, nhờ các dịch giả trong nước cũng như dịch giả người Việt ở hải ngoại, và có sự hiệu đính của các nhà văn, chuyên gia ngôn ngữ bản địa. Ông Thomas Kane, giám đốc trung tâm William Joiner chia sẻ về quá trình kết nối và quảng bá văn học Việt Nam tại Mỹ: “Việt Nam thực sự có những cây viết rất tốt. Đặc biệt thế hệ mới với cách viết mới gần hơn với văn học đương đại thế giới. Là giám đốc của Trung tâm William Joiner, tôi hiểu rõ vai trò và cách thể hiện của thơ ca, và tôi hoàn toàn ủng hộ thơ ca. Đây giống như một phương tiện giúp mọi người kết nối, học hỏi lẫn nhau, hàn gắn những vết thương của chiến tranh. Chúng thực sự rất có giá trị trong cuộc sống hiện đại.”
Từ góc độ nghiên cứu, ông Lê Nguyên Long, giảng viên bộ môn Văn học nước ngoài, khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định rằng số lượng các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Anh không quá nhiều.
Tuy vậy, vai trò của các nhà nghiên cứu, dịch giả hải ngoại là không thể phủ nhận: “Chúng ta không thể không kể đến một học giả rất nổi tiếng là GS. Huỳnh Sanh Thông. Ông tổ chức được nhiều tạp chí tồn tại khá lâu và có nhiều đóng góp. Ví dụ như tờ The Vietnam Review ra theo quý hoặc theo tháng, số mùa xuân hoặc số mùa hè. Trên tạp chí này, trên tạp chí này không chỉ có những bài nghiên cứu viết bằng tiếng anh mà ông còn tiến hành dịch truyện ngắn, tiểu thuyết, bài thơ thuộc dòng kinh điển của Việt Nam.” - ông Lê Nguyên Long nói.
“Bông sen nở trong dòng suối văn học” là tuyển tập những truyện ngắn và thơ đương đại của các tác giả Việt Nam và Thái Lan, được xuất bản bằng ba ngôn ngữ: Thái Lan, Việt Nam và tiếng Anh. |
Gần đây, các nhà văn nhà thơ Việt đã tích cực tham gia vào các diễn đàn văn chương thế giới, thậm chí chúng ta còn được ghi nhận bằng một số giải thưởng như Giải thưởng văn học quốc tế Changwon (Hàn Quốc). Tuy nhiên, việc giới thiệu các gương mặt đương đại của văn học nước nhà vẫn chưa thực sự khởi sắc. Giáo sư Hàn Quốc Ahn Kyong Hwan chia sẻ về thực trạng này: “Tác phẩm văn học của Việt Nam được giới thiệu ở Hàn Quốc vẫn chưa được nhiều cũng như văn học Hàn Quốc vẫn chưa được giới thiệu nhiều ở Việt Nam. Điều này cho thấy sự quan tâm của hai quốc gia. “Theo số liệu tìm hiểu được cho ta thấy số lượng những tác phẩm của Việt Nam được dịch ở Hàn là có 26 tác phẩm thôi.”
Xây dựng lực lượng dịch giả, cố gắng để có bản dịch tốt, tìm kiếm nhà xuất bản, sau đó là tiếp tục quảng bá để bản dịch các tác phẩm văn chương Việt đến được với đông đảo độc giả nước ngoài – Đấy là một con đường dài cần những hoạt động chuyên môn, tỉ mỉ sau các hoạt động quảng bá.