(VOV5) - Mỹ là nước có đông người Việt sống xa tổ quốc Việt Nam. Nơi đây vào dịp Tết, không khí cộng đồng người Việt rất sôi động.
Mỹ là nước có số lượng người Việt ở nước ngoài nhiều nhất so với những nước khác trên thế giới. Cứ mỗi dịp Tết đến, không khí tại những cộng đồng người Việt tại xứ Cờ Hoa lại trở nên khá sôi động và các khu chợ Tết rất tấp nập với nhiều loại mặt hàng không khác gì ở Việt Nam.
Ở phương xa, mặc dù các nghi lễ đã được đơn giản hóa rất nhiều, Tết đối với người Việt ở bất cứ nơi đâu vẫn luôn là dịp để người thân, bạn bè tụ họp và để giới thiệu với các con của mình, cũng như bạn bè nước ngoài về Tết và nét đẹp văn hóa của Việt Nam.
|
Nhà chị Cúc chuẩn bị gói bánh chưng. |
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp năm hết Tết đến là gia đình anh Sean Lâm, chị Anna Cúc Lê, những người từng định cư ở Mỹ gần 40 năm, lại trang trí nhà cửa để tạo không khí đón mừng năm mới. Chỉ cần mở cửa bước vào phòng khách gia đình anh Lâm, chị Cúc là đã thấy tràn ngập không khí Tết với những đồ trang trí mang đặc trưng của Việt Nam như hoa Cúc, hoa Đào, hoa Mai, câu đối đỏ, băng pháo đỏ, bánh chưng và bàn thờ Phật.
Năm nay anh Lâm, chị Cúc quyết định tổ chức đón Tết sớm với một hoạt động rất đơn giản đó là cùng người thân và bạn bè gói bánh Chưng và nấu một số món ăn truyền thống. Ngoài trời mưa tuyết giá lạnh nhưng trong nhà tràn ngập tiếng nói cười râm ran khiến căn hộ trở nên thật ấm cúng.
|
Chị Cúc hướng dẫn một người Mỹ gói bánh chưng. |
Do điều kiện làm việc nên nhiều người Việt không được nghỉ trước Tết, chính vì vậy, những dịp như thế này chính là lúc để họ cùng người thân và bạn bè sum vầy, ôn lại những kỷ niệm cũ và hỏi han lẫn nhau.
Chị Cúc chia sẻ: “Mình muốn cho bọn trẻ biết phong tục của người Việt Nam là cứ đến Tết thì gia đình, người thân cùng tụ họp với nhau, ngồi cùng với nhau vì thường ngày ai cũng bận rộn”.
Từng sang Mỹ cách đây gần 40 năm, nhiều người cho rằng những người như anh Lâm và chị Cúc sẽ không còn nhớ nhiều về Tết Việt, ngược lại, cảm xúc của anh chị vẫn không hề thay đổi, mỗi dịp Tết đến là lại nôn nao, đau đáu nhớ về quê hương.
|
Quây quần nói chuyện vui vẻ khi gói bánh chưng. |
Chị Cúc cho biết: “Hàng ngày mình rất bận rộn nhưng Tết đến rất nôn nao, phải dọn dẹp nhà cửa, trang trí nhà cửa rồi đi chợ hoa, chợ Tết để sắm cây Mai, cây Đào. Có không khí Tết rất vui. Mình là người Việt Nam và dù mình ở nơi nào, đi đâu nơi nào nhưng mình vẫn là người Việt Nam, văn hóa, phong tục của Việt Nam rất hay nên mình vẫn muốn giữ một cái gì đó của người con đất Việt”.
Cảm xúc của chị Cúc cũng là tình cảm mà mỗi người dân Việt Nam cảm nhận mỗi khi Tết đến. Nhiều người cho biết Tết là dịp đoàn viên và những ngày trước Tết là trong mình lại tràn ngập những kỷ niệm và nỗi nhớ nhà da diết.
Chị Lê Thị Tuyết và chồng đã sang Mỹ được 6 năm và mới chỉ duy nhất 1 lần được về ăn Tết. Chị Tuyết chia sẻ: “Nhớ nhà lắm vì mình là người Việt thì dù mình ở đâu, có làm gì thì cái truyền thống, cội nguồn của mình mình vẫn nhớ và vẫn hy vọng duy trì được không khí Tết như thế này hàng năm ở bên này.
Cái Tết đầu tiên xa nhà tôi nhớ chỉ có hai vợ chồng gói bánh chưng với nhau, lúc đó không có khuôn mà làm bằng bìa cứng, sau dần dần quen với gia đình anh chị Cúc và hàng năm vẫn lên đây gói và bây giờ được gặp gỡ nhiều người hơn, anh em bạn bè nhiều hơn, đông vui hơn thì cũng cảm thấy nên cũng cảm thấy đỡ nhớ nhà hơn. Tôi rất vui vì người Việt bên này có ý thức giữ truyền thống Tết.
Nhiều người ở Việt Nam thì cảm thấy rất mệt vì Tết đến là rất bận bịu nhưng bên này mỗi dịp Tết đến thì mọi người vẫn rất hồi hộp, vui và rất hào hứng, vẫn giữ cái Tết của mình”.
|
Gia đình chị Cúc và bạn bè tại phòng khách đậm chất Tết Việt. |
Chỉ là một buổi gói bánh chưng để cùng nhau quây quần, chia sẻ mỗi khi Tết đến, nghe thì chỉ là một hoạt động rất giản dị nhưng lại rất có ý nghĩa khi trong thâm tâm, anh Lâm và chị Cúc luôn muốn truyền cảm hứng cho các con của mình, thế hệ thứ 2 sinh ra tại Mỹ với mong muốn các con mình sẽ hiểu và yêu những nét văn hóa truyền thống của quê hương mình.
Ái Mỹ, con gái cả của anh Lâm, chị Cúc cho biết cô rất tự hào mình là người Việt Nam và những hoạt động do bố mẹ tổ chức đã giúp cô hiểu hơn về nguồn gốc và văn hóa Việt Nam.
Ái Mỹ chia sẻ: “Tôi rất vui khi được bố mẹ dạy cho mình về văn hóa Việt Nam, đó là những trải nghiệm mà bố mẹ tôi từng có từ khi còn nhỏ. Tôi sẽ chia sẻ những điều này với bạn bè và người thân của mình và hy vọng sẽ có nhiều người muốn tham gia các hoạt động như thế này cùng gia đình tôi”.
Cùng nhau sum vầy, chia sẻ những kỷ niệm và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới chính là một nét đẹp của văn hóa Việt Nam và cộng đồng người Việt ở nước ngoài chính là những sứ giả, những người giúp lan tỏa những truyền thống, nét đẹp văn hóa của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.