(VOV5) - Tại Hà Nội, sáng nay, 3000 người đại diện cho 15 tỉnh phía Bắc tham gia Lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014.
Với chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS”, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 tầm nhìn 2030, đặc biệt truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, về các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV.
Diễu hành hưởng ứng Chiến dịch phòng chống HIV-AIDS
Phát biểu tại lễ mit tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Hưởng ứng chiến dịch phòng chống AIDS toàn cầu giai đoạn 2011-2015 với chủ đề hướng tới mục tiêu 3-0, không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn phân biệt kỳ thị đối xử liên quan đến HIV/AIDS, năm 2014 Việt Nam đã chọn chủ đề “Không phân biệt kỳ thị đối với người nhiễm HIV để cùng nhau chống lại sự kỳ thị phân biệt đối xử mà tình trạng đó đang rất phổ biến.
Cũng trong sáng nay, tỉnh Điện Biên tổ chức Mít tinh, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh kêu gọi chống phân biệt, kỳ thị đối với những người nhiễm HIV/AIDS; tiếp tục tăng cường và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tập trung vào các địa bàn, các đối tượng nguy cơ cao đồng thời chú trọng mở rộng các mô hình can thiệp giảm tác hại khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Sau lễ Mít tinh, hàng trăm đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên, các bệnh nhân điều trị methadone, các nhóm đồng đẳng đã xuống đường tuyên truyền, cổ động mọi người dân tích cực hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm 2014.
Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 9 năm nay, Việt Nam có hơn 224 nghìn trường hợp nhiễm HIV. Trên 70 nghìn người đã tử vong. Số người nhiễm HIV phát hiện mới có xu hướng giảm trong 7 năm gần đây, tuy nhiên vẫn ở mức cao khoảng 12.000-14.000 ca/năm.