(VOV5) - Cùng với đó, dựa trên kết quả tính HDI, Chính phủ xây dựng một hệ thống các giải pháp đồng bộ và triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả.
Tại cuộc họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý IV năm 2021 và chỉ số phát triển con người Việt Nam 2016-2020 do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 6/1, tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ Phó Vụ thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê, cho biết chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tiếp tục cải thiện trong giai đoạn 2016-2020.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đạt được HDI năm 2020 cao hơn năm 2016. Đáng chú ý là, nhóm đạt mức cao đã tăng từ 13 địa phương năm 2016 lên 14 địa phương năm 2017; từ 18 địa phương năm 2018 tăng lên 21 địa phương năm 2019 và 24 địa phương năm 2020. Nhiều địa phương có HDI thấp nhưng đạt tốc độ tăng nhanh hơn địa phương có HDI cao; khoảng cách chênh lệch HDI giữa các địa phương thu hẹp dần.
Trên cơ sở phân tích động thái và thực trạng HDI của cả nước và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng cục Thống kê đề xuất một số kiến nghị, trong đó nhấn mạnh HDI là thước đo tổng hợp, đánh giá toàn diện kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, HDI phải là một trong những chỉ tiêu chủ yếu trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của từng địa phương.
Cùng với đó, dựa trên kết quả tính HDI, Chính phủ xây dựng một hệ thống các giải pháp đồng bộ và triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả. Đặc biệt, là các giải pháp tăng cường dịch vụ y tế, giáo dục vì các lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến phát triển con người.