(VOV5) - Người dân nuôi cá tra và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cá tra Việt Nam đang bày tỏ sự phản đối trước việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp mức thuế chống phá giá cao hơn 70 lần so với mức thu cũ đối với các sản phẩm cá tra filet đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Ông Trịnh Bá Hoàng, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần đầu tư Thương mại thủy sản (ICF), cho biết: “Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ quan ngại nhất là vấn đề thuế chống bán phá giá. Điều này làm cho doanh nghiệp không yên tâm sản xuất, phần chi phí đó sẽ không được xác định trước.”
|
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Việt An (Anvifish) - một trong những DN chịu mức thuế chống bán phá giá cá tra đợt này. Ảnh: QUANG HUY |
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam cho biết mức thuế mới sẽ gây thiệt hại đến hàng triệu USD/năm cho các doanh nghiệp. Hiệp hội đã có thông cáo báo chí phản đối DOC ra quyết định cuối cùng về thuế chống bán phá giá mặt hàng cá tra filet đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, khẳng định: “Việc Bộ Thương mại Mỹ ra phán quyết chống bán phá giá sản phẩm cá tra Việt Nam là hết sức vô lý. Cách đây 6 tháng, Bộ Thương mại Mỹ trong quyết định sơ bộ của mình đã công nhận Việt Nam không bán phá giá, và lựa chọn Bangladesh là quốc gia thay thế để tính mức áp thuế, nhưng bây giờ họ đột ngột lựa chọn Indonesia. Các số liệu ngành nuôi cá tra của Indonesia không có điểm tương thích với điều kiện nuôi cá tra và xuất khẩu cá tra để áp thuế cho các doanh nghiệp Việt Nam khiến kết quả áp thuế rất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ không thể xuất khẩu được với mức áp thuế này".
Ông Trương Đình Hòe cũng cho biết Hiệp hội đã chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu nằm trong danh sách chịu thuế nhanh chóng cùng luật sư kiểm tra lại thông tin để chuẩn bị hồ sơ, bằng chứng kháng kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ.