Hoàn thiện khung pháp lý các phiên giải trình tại các cơ quan của Quốc hội

(VOV5) - Hôm qua, 4/1, tại Thành phố Hải Phòng, diễn ra buổi tọa đàm về chủ đề hoạt động tham vấn và giải trình tại Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội VN. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) – Dự án “Tăng cường năng lực cho các cơ quan đại diện tại Việt Nam”.


Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, hiệu quả của việc giải trình góp phần giảm áp lực lên hoạt động chất vấn tại các Kỳ họp Quốc hội vì nhiều vấn đề được Đại biểu Quốc hội quan tâm đã được chất vấn tại các buổi giải trình của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban tại kỳ họp chất vấn chỉ có 2,5 ngày nên số lượng chất vấn rất hạn chế, chưa phản ánh hết tâm tư của cử tri. Để thống nhất về cách thức tiến hành phiên giải trình, Ủy ban thường vụ Quốc hội đang chỉ đạo xây dựng quy chế quy định cụ thể quy trình, thủ tục tổ chức giải trình tại Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội


Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Sỹ Lợi cho rằng phiên giải trình nhằm tạo diễn đàn trao đổi thông tin, quan điểm về xây dựng, thực hiện chính sách một cách toàn diện, nhiều chiều, công khai; đảm bảo các tiêu chí về tính công khai, tuyên truyền, thông tin chính xác. Nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm kiến nghị, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cần tích cực hơn nữa trong việc tổ chức các phiên giải trình; cần từng bước thể chế hóa quy trình, thủ tục tham vấn công chúng trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan Quốc hội cần ứng dụng và triển khai các công cụ tham vấn phù hợp với đặc điểm của Quốc hội Việt Nam; tổ chức tập huấn cho các Vụ chuyên môn phục vụ cho các cơ quan Quốc hội về hoạt động tham vấn công chúng và giải trình nhằm nâng cao hiệu quả tham mưu, phục vụ./.

Phản hồi

Các tin/bài khác