(VOV5) - Cải cách thể chế đồng bộ có thể giúp quốc gia tránh bẫy thu nhập trung bình qua nâng cao hiệu quả ứng phó với những thách thức mới .
Ngày 18/05, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo cập nhật đánh giá quốc gia năm 2021 với chủ đề “Để Việt Nam tươi sắc đào xuân: Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả”. Báo cáo phân tích các ưu tiên phát triển của Việt Nam trong những thập kỷ tới và đề xuất một nền tảng gồm một số cải cách thể chế giúp Chính phủ thực thi các ưu tiên phát triển hiệu quả hơn.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, để có thể hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cải thiện rõ rệt năng lực của Chính phủ trong phối hợp, triển khai những cải cách chính sách kinh tế, đầu tư công.
Toàn cảnh họp báo công bố Báo cáo cập nhật đánh giá quốc gia năm 2021 của Ngân hàng Thế giới. Ảnh: VOV5 |
Bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia Quản trị công cao cấp của WB tại Việt Nam, đồng Trưởng nhóm thực hiện Báo cáo, cho rằng: "Thứ nhất, phải có khung định chế vững chắc để thực hiện bất cứ mục tiêu nào. Các cơ chế phải được trao quyền để chỉ đạo và theo dõi sát sao các mục tiêu đã đặt ra. Thứ hai, là cải cách thủ tục hành chính. Việc áp dụng cơ chế thị trường để tăng tính minh bạch và tính cạnh tranh trong thị trường, khuyến khích những hành vi có trách nhiệm hơn trong thực hiện các mục tiêu phát triển Việt Nam cũng rất quan trọng. Cuối cùng, các quy trình cải cách cần có sự tham gia và minh bạch thông tin. Việc thực hiện đồng bộ các nhóm cải cách thể chế này sẽ tăng hiệu quả chất lượng thực thi các cải cách của Việt Nam và giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045."
Tại lễ công bố, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khẳng định cải cách thể chế đồng bộ có thể giúp quốc gia tránh bẫy thu nhập trung bình qua nâng cao hiệu quả ứng phó với những thách thức mới và phức tạp phát sinh trong nước và trên toàn cầu.