Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc cơ chế kiểm điểm định kỳ của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp Quốc

(VOV5) - Sáng 06/8, tại Hà Nội, diễn ra cuộc Hội thảo tham vấn về Dự thảo Báo cáo Quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. Đây là một trong những hoạt động tham vấn lấy các ý kiến khuyến nghị cho Dự thảo Báo cáo Quốc gia, dự kiến sẽ được trình bày tại Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc vào tháng 1/2014.

Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc cơ chế kiểm điểm định kỳ của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp Quốc - ảnh 1




Báo cáo tại hội thảo đề cập các vấn đề quan trọng nằm trong cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát chu kỳ 2 của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc như: Kiện toàn hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người; tăng cường giáo dục về quyền con người; thực thi các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người;… Đặc biệt, trong Dự thảo Báo cáo lần này, Việt Nam tập trung nhiều hơn đến việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên thực tế bao gồm: các quyền dân sự chính trị; các quyền kinh tế xã hội và văn hóa; quyền của các nhóm yếu thế/dễ bị tổn thương. Báo cáo dành một phần lớn để đề cập những ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong việc tiếp tục thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Báo cáo khẳng định Việt Nam coi đây không chỉ là thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, mà còn là cơ hội để kiểm điểm một cách toàn diện về những kết quả đạt được và hướng ưu tiên trong tương lai, nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền con người tại Việt Nam. Phát biểu tại Hội thảo, bà Pratibha Mehta, điều phối viên Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện và đảm bảo quyền con người. Bà Pratibha nhấn mạnh: “Tôi chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã có những kết quả đáng khích lệ về thực hiện các cơ chế về quyền con người mà Liên Hợp Quốc đưa ra trong những năm qua. Tôi tin rằng, tiến trình này sẽ tiếp tục được thực hiện. Tôi cũng đánh giá cao quá trình thực hiện Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát của Việt Nam, trong đó có việc đưa bản Dự thảo ra lấy khuyến nghị rộng rãi 6 tháng trước khi trình bày Báo cáo Quốc gia tại Hội đồng nhân quyền”.

Bản Dự thảo Báo cáo này sẽ được chỉnh sửa sau khi thu thập đẩy đủ các khuyến nghị. Dự kiến, Báo cáo sẽ được hoàn tất trong vòng 2 tuần trước khi trình bày tại Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc vào đầu tháng 1 năm 2014./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác