(VOV5)- Hội thảo “Cải cách kinh tế cho tăng trưởng bền vưng và bao trùm” diễn ra sáng nay, tại Hà Nội, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua đã để lại những bài học sâu sắc về tầm quan trọng của mô hình phát triển bền vững hơn và cân bằng hơn. Việc tìm những hướng đi mới tiến đến một nền kinh tế bền vững, hài hòa về xã hội và môi trường không chỉ là yêu cầu cấp thiết, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình phục hồi của kinh tế thế giới cũng như ở mỗi quốc gia. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng điểm lại một số kết quả kinh tế-xã hội nổi bật Việt Nam đạt được trong công cuộc Đổi mới, chỉ ra các thách thức lớn đang đặt ra để định vị kinh tế Việt Nam trong thang bậc phát triển của thế giới. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhắn mạnh: Sau gần 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội. Từ một nước chậm phát triển, nay Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Bên cạnh mục tiêu kinh tế, Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển các lĩnh vực xã hội, tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội và thụ hưởng các thành quả của phát triển. Theo Báo cáo phát triển con người (HDR) năm 2013 của UNDP, Việt Nam nằm trong số 40 nước đang phát triển đạt tiến bộ vượt dự kiến về phát triển con người với chỉ số phát triển con người tăng 41% trong hai thập kỷ qua.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng các đại biểu tham dự Hội thảo
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng quyết tâm cải cách kinh tế đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là phương thức cơ bản để tạo “sức bật” mới cho Việt Nam phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững trong thời gian tới.
Hội thảo “Cải cách kinh tế cho tăng trưởng bền vững và bao trùm” diễn ra trong hai ngày bao gồm 3 phiên thảo luận chính: “Cải cách kinh tế: Thách thức cho tăng trưởng bao trùm”, “Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững” và “Khai thác tiềm năng từ hội nhập quốc tế và khu vực hướng tới phát triển bao trùm và bền vững”./.