Bế mạc Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 - 2015
(VOV5) - Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5- 2015 bế mạc ngày 20/11 tại thành phố Đà Nẵng sau 4 ngày làm việc khẩn trương và đầy trách nhiệm.
Tại phiên bế mạc, chủ tọa các phiên họp lần lượt trình bày các kết luận và khuyến nghị của các hội nghị, hội thảo quốc tế diễn ra trong khuôn khổ Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5. Các báo cáo kết luận và kiến nghị này đã cung cấp cho các đại biểu những kiến thức mới, các sáng kiến hay, kinh nghiệm thực tiễn tốt về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển, vùng bờ biển và hải đảo để học tập và áp dụng tại mỗi nước trong khu vực...Cũng tại phiên bế mạc, các Bộ trưởng cùng các bên liên quan đã tham gia thảo luận những nội dung như: Xây dựng một nền kinh tế biển và vùng bờ bền vững - cơ hội tại mỗi quốc gia; các chính quyền nên làm thế nào để tiếp cận các chính sách để thúc đẩy và tạo điều kiện trong việc tái tạo nơi cư trú và sử dụng bền vững các tài nguyên biển và vùng bờ khác nhau.
|
Quang cảnh lễ tổng kết hội nghị Biển Đông Á. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN) |
Trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5, trước đó, diễn ra Diễn đàn Bộ trưởng các Biển Đông Á 2015 và Ký kết Thỏa thuận Đà Nẵng lần thứ 5. Phát biểu tại Diễn đàn Bộ trưởng các Biển Đông Á lần thứ 5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Minh Quang nêu rõ, Diễn đàn Bộ trưởng các biển Đông Á tập trung thảo luận đưa ra các quyết sách, quyết tâm và các cam kết ở cấp cao để đạt được mục tiêu thiết lập Chương trình nghị sự cho phát triển bền vững các biển Đông Á sau năm 2015 tại các quốc gia. Diễn đàn này cụ thể hóa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, ủng hộ các phê chuẩn những nỗ lực từ cấp Trung ương đến địa phương của các nước khu vực biển Đông Á để thúc đẩy phát triển bền vững.
Sau khi thảo luận về Chiến lược phát triển bền vững, các sáng kiến, kế hoạch Quốc gia thực hiện Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á năm 2015 và các mục tiêu sau 2015, các Bộ trưởng đã ký Thỏa thuận Đà Nẵng. Theo đó, các quốc gia trong khu vực cam kết tăng cường quản trị đại dương và quản lý ở cấp khu vực và quốc gia theo các ưu tiên và mục tiêu, năng lực của mỗi quốc gia. Thỏa thuận Đà Nẵng nhấn mạnh việc bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và tài nguyên biển. Bản Thỏa thuận thông qua Chiến lược biển và vùng bờ biển khu vực đã được cập nhật. Việc cập nhật này nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm cả việc giảm thiểu các khí nhà kính, đồng thời thích ứng và giảm thiểu các tác động xã hội, kinh tế và sinh thái do thời tiết khắc nghiệt, và do con người gây ra.