(VOV5) - Những nội dung về tài chính, nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 1/11, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV. Trước những quan tâm của đại biểu Quốc hội về vấn đề nợ công, trong phiên họp sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nợ công tăng nhanh trong giai đoạn 2011 - 2015 là đúng. Thời điểm năm 2001, nợ công là 36,5 % GDP, năm 2010 là 50% GDP, năm 2015 là 62,2% GDP.
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (ảnh: Hoàng Long) |
Lý giải nguyên nhân vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: “Nguyên nhân thứ nhất là tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch. Thứ hai là tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách nhà nước được quy định không quá 22,2%/năm. Thứ 3 là tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu nông nghiệp chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó 5 năm qua Việt Nam chủ trương giảm thu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giá dầu thô giảm. Nguồn thu ngân sách giảm nhưng Việt Nam vẫn giữ mức chi, đặc biệt là đảm bảo chi an sinh xã hội, chi giảm nghèo, chi tăng lương. Điều này làm cơ cấu chi thường xuyên tăng nhanh. Trong giai đoạn này Chính phủ cũng phát hành trái phiếu chính phủ”.
Đề cập giải pháp giảm nợ công, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ: “Thứ nhất,tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, quản lý ngân sách. Bộ tài chính sẽ báo cáo Chính phủ về Luật quản lý nợ công trong thời gian tới để Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi luật. Chúng tôi cũng rà soát lại chiến lược nợ công cũng như các chính sách về thuế theo đề án tái cơ cấu lại ngân sách Nhà nước đảm bảo an toàn nợ công. Thứ 2 là từng bước tái cơ cấu lại nợ công, đầu tiên là đẩy mạnh phần nợ trong nước, giảm dần nợ nước ngoài. Tiếp đó là tái cơ cấu lại kỳ hạn và lãi suất của nợ công”.
Về kế hoạch tài chính 5 năm, mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đây là những vấn đề khó, Việt Nam làm lần đầu trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động, đất nước hội nhập sâu rộng hơn, trong nước đang tiến hành tái cơ cấu lại nền kinh tế. Bộ tài chính sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội về những nội dung này để hoàn thiện, trước khi trình Quốc hội thông qua.