(VOV5) - Sáng 11/6, tại Hà Nội, Quốc hội khóa XIII tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 9. Theo chương trình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Sau khi các Bộ trưởng trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm những vấn đề có liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày, được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng |
Mở đầu phiên chất vấn, Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Theo Báo cáo, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, cử tri cả nước gửi đến Quốc hội 2.530 kiến nghị về hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp, phân loại, xử lý những kiến nghị trùng lặp, còn 2.108 kiến nghị đã chuyển đến cơ quan có thẩm quyền. Đến trước kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 100% kiến nghị.
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội các vấn đề về ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và việc hỗ trợ nông dân sản xuất. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Chính phủ đã chỉ đạo, quy hoạch hướng dẫn cho nông dân các vấn đề liên quan đến quy trình sản xuất, loại cây trồng, vật nuôi có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ. Giải pháp quan trọng để hỗ trợ nông dân là phải tổ chức lại sản xuất, hình thành những tổ đội sản xuất, hệ thống dịch vụ hậu cần, hệ thống chế biến để trực tiếp thu mua sản phẩm của nông dân. Về mối liên kết trong phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Trong liên kết nông nghiệp thì doanh nghiệp cần đóng vai trò chính. Mặt khác cần phải có các tổ hợp tác và hợp tác xã để làm trung gian giữa doanh nghiệp và nông dân. Yếu tố thứ ba cũng rất quan trọng là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương các cấp. Địa phương phải thành lập Ban chỉ đạo.
Để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết phải tập trung phát triển khâu bảo quản, chế biến hàng nông sản, giúp ổn định thị trường. Ngành nông nghiệp cũng hướng tới nâng cao khả năng, phát triển những giống vật nuôi, cầy trồng phù hợp.
Cũng trong sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan tới ngành nông nghiệp.
Chiều 11/6, tiếp tục phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ về : Giải pháp phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều Hiệp định thương mại là một trong những nội dung chính được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chiều 11/6.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết để làm tốt công tác xuất khẩu, Bộ Công thương ưu tiên làm công tác thị trường. Cụ thể là thông qua các chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài dưới nhiều hình thức. Ví dụ như tổ chức các hội chợ, triển lãm, tổ chức các đoàn khảo sát cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia để giới thiệu sản phẩm; đồng thời tổ chức các đoàn khảo sát các doanh nghiệp của các nước sở tại vào Việt Nam để họ xem xét khả năng mua hàng của Việt Nam. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nông nghiệp Việt Nam dù hiện nay chỉ đóng góp 18% thu nhập quốc dân nhưng liên quan đến 70% dân số, nên xuất khẩu hàng nông nghiệp rất quan trọng được ưu tiên trong các Hiệp định thương mại với các đối tác: Trong các hiệp định thương mại đã ký, Việt Nam đã đạt được lợi ích cốt lõi khi các đối tác chấp nhận mở cửa thị trường đối với sản phẩm nông sản của Việt Nam. Các đối tác dành ưu đãi cho những sản phẩm nông sản Việt Nam có lợi thế, đặc biệt là gạo, thủy sản. Gần đây nhất là Liên minh kinh tế Á - Âu cam kết ngay từ năm đầu tiên khi Hiệp định có hiệu lực sẽ đưa thuế xuất bằng 0 đối với toàn bộ mặt hàng thủy sản của Việt Nam, giảm thuế tối đa đối với cafe, chè và một số sản phẩm đồ gỗ.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã đạt hiệu quả cao, thúc đẩy tăng trưởng trong nước. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng Việt về các khu công nghiệp đang đi đúng hướng và sẽ tiếp tục được chú trọng trong thời gian tới.
Đối với cơ chế điều hành giá, đặc biệt là giá điện, giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy trả lời việc tăng giá điện đã được Bộ tính toán kỹ làm sao giảm thiểu tối đa tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân. Riêng giá xăng dầu theo Nghị định 83 Chính phủ, theo giá thị trường và có tính đến yếu tố quản lý Nhà nước.
Trong phiên trả lời chất vấn chiều 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan tới ngành công thương.
.