(VOV5) - Trong khuôn khổ các hoạt động Festival Biển 2013 - Nha Trang - Biển hẹn, ngày 9/6 tại thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sôi động các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tâm điểm là lễ hội đường phố thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội gồm 15 tiết mục nghệ thuật với sự tham gia của hàng trăm diễn viên chuên nghiệp, diễn viên quần chúng, cùng du khách quốc tế, trình diễn trang phục các dân tộc Việt Nam xưa và nay và trang phục cộng đồng các dân tộc Nga, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản. Ngoài ra còn có các hoạt động khác như: Chương trình ca múa nhạc “Đêm biển gọi”; Diễu hành xe đạp; Thả Diều nghệ thuật; Hội thi câu cá; Thả sinh vật biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tất cả các hoạt động Festival Biển 2013 đều hướng về biển và hải đảo.
Ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết:“Đối với huyện Trường Sa, trước hết chúng tôi cũng có những hoạt động để tham gia, phát động phong trào Trường Sa vì cả nước, Trường Sa vì Festival biển 2013. Bằng những hoạt động thiết thực đó là bảo vệ tốt chủ quyền biển đảo ở các điểm đảo, hai là phát triển tốt về kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển”.
|
Trưng bày nghệ thuật Trúc Chỉ tại Festival Biển 2013-Nha Trang |
Cùng ngày, tại thành phố Nha Trang, Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung tổ chức hội thảo chuyên đề “Phát triển sản phẩm du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung”. Vùng duyên hải miền Trung có nhiều danh thắng và tập trung hầu hết các bãi biển đẹp của cả nước, lại có tài nguyên du lịch rừng, núi khá phong phú, là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, trên thị trường du lịch quốc tế, thương hiệu của các địa phương và của vùng vẫn chưa đủ mạnh để cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Không có cách nào khác là 9 tỉnh, thành phố phải liên kết để cùng phát triển.
Nhiều đại biểu cho rằng mỗi địa phương nên đầu tư để có những sản phẩm vượt trội, độc đáo, sau đó liên kết theo nhóm như sản phẩm “Con đường di sản” giữa ba tỉnh Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Mỗi tỉnh chỉ nên chọn 1- 2 lễ hội tiêu biểu để đầu tư đưa vào khai thác du lịch, đây cũng là hình thức liên kết. Việt Nam là địa điểm lý tưởng để xây dựng thành trung tâm du lịch tàu biển của cả khu vực.
Ông Nguyễn Qúy Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục du lịch, cho rằng: “Để đón khách du lịch tàu biển đến, các địa phương tôi nghĩ rằng về hạ tầng chúng ta cần có các chính sách ưu đãi các nhà đầu tư đến xây dựng cảng khách, nhà ga, bến du thuyền. Khi chúng ta có cơ sở hạ tầng tốt tôi nghĩ sẽ thu hút được vì hiện nay chúng ta nằm giữa những trung tâm du lịch biển rất lớn. Phải tăng cường thông tin quảng bá, tạo ra được những dịch vụ chất lượng cao”.
Hội thảo thống nhất cần quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, qua đó xây dựng các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương và của toàn vùng.