Dư luận quốc tế đồng loạt bày tỏ quan ngại về hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông

(VOV5) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lần đầu tiên chính thức lên tiếng, bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu và tàu hộ vệ vào hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Phát biểu với báo giới trước thềm cuộc Đối thoại chiến lược Mỹ-Singapore lần thứ 3 tại thủ đô Washington, Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh hành động của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa đang gây quan ngại sâu sắc đối với Mỹ và các nước liên quan. Ông John Kerry nhấn mạnh: Mỹ đặc biệt quan ngại. Toàn bộ các nước tham gia các hoạt động hàng hải và giao thông tại Biển Đông và biển Hoa Đông đều quan ngại sâu sắc về hành vi gây hấn của Trung Quốc. Mỹ muốn thấy một bộ quy tắc ứng xử được xây dựng, muốn thấy vụ việc trên được giải quyết một cách hòa bình thông qua Luật biển, thông qua trọng tài, thông qua bất cứ phương thức nào nhưng không phải bằng đối đầu trực tiếp và hành động gây hấn.   

 

Dư luận quốc tế đồng loạt  bày tỏ quan ngại về hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông - ảnh 1

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Ảnh: AP)


Trước đó, lãnh đạo cấp cao của cả Quốc hội và chính phủ Mỹ đều lên tiếng về hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Ngày 10/5 vừa qua, Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Robert Menendez, Thượng nghị sỹ John McCain và một số Thượng nghị sỹ khác đã ra tuyên bố, khẳng định hành động của Trung Quốc là rất đáng lo ngại. Các ý kiến đều hối thúc Thượng viện Mỹ thông qua một nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với tự do hàng hải tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như đối với giải pháp ngoại giao trong các tranh chấp biển và lãnh thổ hiện nay.  

 

Chính phủ Anh cho biết nước này ủng hộ tuyên bố về tình hình căng thẳng trên Biển Đông của Liên minh châu Âu (EU) và đã nêu vấn đề này với Chính phủ Trung Quốc. Trong một tuyên bố đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Anh, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Hugo Swire khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã khiến căng thẳng leo thang trên Biển Đông. Anh ủng hộ tuyên bố của EU đưa ra ngày 8/5 và đã nêu vấn đề này với Chính phủ Trung Quốc ở cấp Bộ trưởng, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tìm cách hạn chế căng thẳng leo thang.

 

Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hoan nghênh tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông. Thủ tướng Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) nêu rõ mặc dù Trung Quốc coi các cuộc xung đột tại Biển Đông là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và các nước liên quan, tuy nhiên quan điểm nhất quán của Singapore và các nước ASEAN khẳng định rằng an ninh và ổn định của khu vực phụ thuộc vào những gì xảy ra tại vùng biển này, do đó ASEAN cần phải có quan điểm về tình hình hiện nay ở Biển Đông.

 

Tại Ấn Độ, học giả Vinod Anand, chuyên viên cao cấp tại Quỹ quốc tế Vivekananda ở New Delhi, khẳng định hành động hạ của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm các điều khoản của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Ông Vinod Anand nêu rõ việc Trung Quốc đưa giàn khoan cùng một hạm đội tàu và nhiều máy bay chiến đấu yểm trợ vào vùng biển Việt Nam là cách hành xử hiếu chiến, rõ ràng nhằm đẩy mạnh những yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Theo ông Vinod Anand, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần thắt chặt khối đoàn kết, cùng cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung Quốc tham gia Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ông cũng nhấn mạnh cần phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; hành động hiếu chiến của Trung Quốc chỉ kích động thêm sự phản kháng, thù địch và căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và ổn định của khu vực.

Phản hồi

Các tin/bài khác