Dư luận quốc tế tiếp tục vạch trần hành động phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông

(VOV5) - Những ngày qua, báo chí và các chuyên gia quốc tế đã đưa ra những luận cứ khẳng định, việc Trung Quốc kéo giàn khoan và tàu tới Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế, cho thấy tham vọng của Trung Quốc nhằm tuyên bố quyền tài phán của mình trên vùng biển này.


Trong bài viết được đăng trên trang mạng Agoravox của Pháp, ông André Bouny, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam, ngày 23/6, có bài viết chứng minh những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là hoàn toàn phi lý và đi ngược lại luật pháp quốc tế.


Tác giả nhấn mạnh “chiến lược bành trướng” của Trung Quốc, với việc dùng vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa của  Việt Nam trong các năm 1956 và 1974. Bài viết cũng đặc biệt đề cập tới một tấm bản đồ của Trung Quốc, vẽ vào cuối đời nhà Thanh (1644-1912) và được xuất bản vào năm 1904, trong đó xác định khu vực cực Nam của Trung Quốc ở đảo Hải Nam không bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Chính vì thế, theo tác giả, “là không thể tưởng tượng được” khi tháng 6/2012, Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) cho đấu thầu việc thăm dò và khai thác tại 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ông khẳng định đây không phải là một khu vực có tranh chấp theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển. Vì thế hầu như không có công ty nước ngoài nào tham gia đấu thầu. Tác giả bài viết cũng đăng một loạt hình ảnh cho thấy, các nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đến nay như tấm bản đồ Trung Quốc được vẽ từ đời nhà Thanh, giấy khai sinh của công dân Việt Nam được cấp tại Hoàng Sa năm 1940, hồ sơ kỹ thuật xây dựng hệ thống đèn biển tại Hoàng Sa, cuốn Biên niên của Nha khí tượng Đông Dương năm 1940 do Phủ toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1942…

Cùng ngày, báo Deutsche Welle của Đức, đăng bài nhận định việc Trung Quốc đưa thêm bốn giàn khoan vào Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực là nhằm tạo tiền lệ cho yêu sách chủ quyền với hầu hết Biển Đông. Trả lời phỏng vấn báo này, Tiến sĩ Ian Storey, thành viên cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), cho rằng việc triển khai các giàn khoan nói lên quyết tâm của Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền ở Biển Đông và Trung Quốc có thể triển khai thêm các giàn khoan trong tương lai. Bởi theo ông, Trung Quốc muốn khẳng định  cái gọi là "quyền lịch sử" đối với nguồn tài nguyên biển như dầu mỏ, khí đốt và ngư nghiệp bên trong đường lưỡi bò chín đoạn, vốn bị các chuyên gia pháp lý quốc tế coi là không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS)./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác