Hà Nội khẩn cấp chống siêu bão

Sáng nay (10/11), ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão TP Hà Nội đã có cuộc họp khẩn rà soát các công việc phòng chống bão trên địa bàn thành phố.

Tin từ Trung tâm DBKTTV Trung ương cho hay: Các tỉnh Bắc Bộ sẽ có mưa to kéo dài dồn dập, liên tục từ chiều tối nay đến hết ngày thứ 2 (11/11), lượng mưa từ 250 – 400mm.


Thủ đô Hà Nội nằm trong vùng trọng tâm mưa, dự báo lượng mưa từ 200 - 300mm, một số nơi có thể cao hơn, nguy cơ có thể xảy ra ngập lụt ở nhiều điểm, trên diện rộng, tập trung ở các vùng trũng.

Để bảo đảm thoát lũ cho khu vực nội thành, Hà Nội cũng đã cho mở cửa đập Thanh Liệt. Trao đổi với PV Báo điện tử Chính phủ, đại diện công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước Hà Nội cho biết, thông thường trong khoảng thời gian từ 15/4 – 15/10 cửa đập Thanh Liệt, Hà Nội được đóng.


Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của bão Haiyan và được dự báo gây mưa to, gió bão trên địa bàn, TP Hà Nội đã cho mở cửa đập Thanh Liệt. Hiện tại mức nước trên sông Tô Lịch đã về mức thấp, đáp ứng yêu cầu thoát nước cho khu vực nội thành khi có mưa lớn xảy ra.


Tại cuộc họp khẩn sáng nay, ông Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các địa phương trong vùng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất như Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ khẩn trương sơ tán dân đến nơi an toàn. Chiều nay, ông Thảo sẽ trực tiếp đi thị sát, kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại một số khu vực đê xung yếu.

Trước đó, để chủ động phòng ngừa và đối phó với bão Haiyan, UBND TP Hà Nội đã có Công điện khẩn yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện hoãn mọi cuộc họp không cần thiết, tập trung lực lượng hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Theo đó, Hà Nội các quận, huyện, thị xã rà soát lại số nhà cấp 4, nhà yếu và nhà tạm để chỉ đạo và giúp nhân dân thực hiện việc chằng, chống, bảo vệ. Chủ động di dời nhân dân đến nơi an toàn để tránh trú bão đề phòng khả năng bão đổ bộ trực tiếp kết hợp với không khí lạnh sẽ gây mưa lớn.

Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn để thực hiện tốt việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt quan tâm đến các gia đình chính sách, gia đình neo đơn. Đối với các xã miền núi sẵn sàng di dời và bảo vệ nhân dân ở vùng gần sông suối đồi núi đề phòng mưa lớn xảy ra lũ quét gây sạt lở đất theo phương án đã được phê duyệt.

Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát có phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân sống tại các khu nhà cao tầng cũ, xuống cấp, các công trình đang xây dựng dở dang, đặc biệt đảm bảo an toàn tuyệt đối với các cần cẩu tháp do gió bão hoặc mưa lớn gây lún làm đổ cầu. 

 
Sở GDĐT kiểm tra rà soát và có phương án bảo vệ các trường học xuống cấp. Thường xuyên theo dõi diễn biến của mưa bão để tham mưu đề xuất UBND TP cho học sinh nghỉ học.

Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông theo chức năng nhiệm vụ chỉ  đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra hệ thống điện, hệ thống cáp và cột điện đảm bảo an toàn khi có gió bão và mưa lớn gây úng ngập.

Sở Y tế, Sở Công thương theo chức năng, nhiệm vụ và phương án chống lụt bão của ngành đã được xây dựng chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, đội ngũ y bác sỹ, cơ sở y tế và lương thực nhu yếu phẩm thiết yếu sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. 


Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 14 và xử lý kịp thời các tình huống, báo cáo về UBND TP và Ban chỉ huy PCLB TP.

Theo Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin/bài khác