(VOV5)- Dự thảo Luật an toàn thông tin mạng là nội dung chính được các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII thảo luận sáng 29/10 ở Hà Nội.
|
Đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường (Ảnh: TTXVN)
|
Dự thảo Luật quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, bao gồm bảo đảm an toàn thông tin trên mạng; mật mã dân sự, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin; quản lý nhà nước về an toàn thông tin; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng việc ban hành Luật này sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về an toàn thông tin, tạo điều kiện phát triển ổn định, bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin. Về phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin, một số đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương cần tập trung nguồn lực để đào tạo nhiều chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên giỏi về an toàn thông tin mạng. ông Nguyễn Xuân Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, góp ý: “Dự thảo Luật quy định giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì giao cho Bộ Công an và Bộ Quốc phòng xử lý, phát hiện kịp thời những phần mềm độc hại liên quan đến an ninh quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông không đủ thẩm quyền đó mà cũng không có chuyên ngành sâu. Vì thế, nên giao cho Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an. Việc phân cấp quản lý về đào tạo bồi dưỡng an toàn thông tin giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo làm hết. Như thế sẽ vượt thẩm quyền, gây chồng chéo và khi tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn trong thực tế. Giải pháp là sửa Luật giao Bộ Giáo dục và Đào tạo bồi dưỡng, đào tạo chuyên ngành an toàn thông tin mạng cho cơ sở giáo dục đại học còn đối với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ chủ trì đào tạo, bồi dưỡng an toàn thông tin mạng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp".
Việt Nam hiện có hơn 44 triệu người sử dụng Internet và hơn 140 triệu thuê bao điện thoại di động. Việc đảm bảo an toàn thông tin trên mạng cho hàng triệu người sử dụng là nhu cầu tất yếu và cần được luật hóa.
Chiều nay các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế. Thảo luận về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), các đại biểu nhất trí cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật thuế Xuất nhập khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu nội luật hóa các cam kết quốc tế. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và cải cách hệ thống thuế, hải quan; tạo môi trường pháp lý, thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi cho đối tượng thi hành Luật và góp phần thực hiện tốt công tác quản lý thuế. Các đại biểu tập trung cho ý kiến về nhóm vấn đề sửa đổi gồm: khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết; quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp... Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, các ý kiến tập trung góp ý về các quy định nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.