(VOV5) - Trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam về kết quả Hội nghị Cấp cao Mê Công-Nhật Bản lần thứ 7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường cho biết kết quả nổi bật của Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần này là việc các nhà lãnh đạo 5 nước Mekong và Nhật Bản đã thông qua Chiến lược Tokyo 2015 với các định hướng rõ ràng cho hợp tác Mekong - Nhật Bản giai đoạn 2016 - 2018; với mục tiêu bao trùm là bảo đảm ổn định khu vực và đạt “tăng trưởng chất lượng” tại tiểu vùng Mekong.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe |
Tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo quyết định của Nhật Bản dành 750 tỷ Yên ODA hỗ trợ các nước Mekong trong ba năm tới. Đây sẽ là nguồn tài chính quan trọng để triển khai các nội dung hợp tác của Chiến lược Tokyo. Trong Tuyên bố Chiến lược Tokyo 2015 về hợp tác Mekong - Nhật Bản, các nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ hơn để đảm bảo an ninh an toàn hàng hải trong khu vực; nhấn mạnh việc cần phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC). Lãnh đạo các nước bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây tại Biển Đông làm phức tạp thêm tình hình, gây xói mòn lòng tin và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường cho biết đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham gia tích cực vào quá trình chuẩn bị cho hội nghị, phối hợp cùng với Nhật Bản và các nước Mekong xây dựng Chiến lược Tokyo theo hướng hỗ trợ tối đa cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các nước Mekong.
|
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường |
Trong chuyến thăm Nhật Bản, bên cạnh các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hội đàm, gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo, chính giới, cộng đồng doanh nghiệp của Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản, lãnh đạo Quốc hội, các chính đảng lớn, lãnh đạo địa phương, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đều khẳng định coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Hai Thủ tướng nhất trí tuyên bố về cơ bản kết thúc đàm phán song phương trong khuôn khổ Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sẽ nỗ lực cùng các thành viên khác sớm kết thúc đàm phán và ký Hiệp định TPP trong thời gian tới. Hai bên cũng ký một loạt hiệp định hợp tác về kinh tế.