(VOV5)- “Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung” khai mạc chiều 21/3 tại thành phố Đà Nẵng thu hút hơn 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, các tổ chức quốc tế, chuyên gia nghiên cứu, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự.
Hội nghị nhằm quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư của miền Trung, qua đó kêu gọi, lựa chọn thu hút các dự án đầu tư có ngành nghề và hàm lượng công nghệ phù hợp với lợi thế phát triển toàn vùng nói chung cũng như từng địa phương nói riêng. Đây cũng là dịp các nhà quản lý, đầu tư, tổ chức quốc tế, nhà nghiên cứu trao đổi đối thoại về vấn đề phát triển kinh tế xã hội vùng, sự liên kết vùng trên lý luận và thực tiễn. Phó Giáo sư Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: Giải pháp tốt đầu tiên các địa phương phải qui hoạch lại phát triển mang tính liên kết vùng, tạo ra kết nối phát triển cũng như lan tỏa phát triển. Miền Trung có lợi thế phát triển du lịch nếu khai tốt lợi thế này thì ta phải tính cả liên kết với Tây Nguyên.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương miền Trung trực tiếp trao đổi với doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đẩy mạnh sự phối hợp, xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư mang tính thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương, phát huy vai trò của ngân hàng thương mại trong việc cung cấp vốn tín dụng cho dự án đầu tư.
Trong khuôn khổ các hoạt động của“Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung”, sáng nay, tại thành phố Đà Nẵng, các đại biểu đã tham dự các cuộc tọa đàm bàn giải pháp xúc tiến đầu tư vào khu vực.
Hai vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là chiến lược phát triển công nghiệp và du lịch vùng duyên hải miền Trung. Về phát triển công nghiệp, tiến sỹ Bùi Tất Thắng, Viện Trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Công Thương, cho rằng để phát triển và liên kết ngành công nghiệp vùng duyên hải miền Trung cần thực hiện 3 nhóm giải pháp, đó là qui hoạch liên vùng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và cải thiện cơ chế chính sách: Để liên kết phát triển công nghiệp của vùng, trên cơ sở qui hoạch chung của toàn vùng, phát triển công nghiệp vùng này theo ý tưởng qui hoạch. Về cơ chế chính sách phải có tính đột phá cao hơn về thuế đất đai, giải pháp về môi trường yêu cầu phát triển bền vững.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng Lâm Quang Minh (trái) trao đổi với các nhà đầu tư trong và ngoài nước bên lề hội nghị - Ảnh: HC
Về phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung, các đại biểu cho rằng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của từng địa phương và toàn vùng. Vấn đề là các địa phương nên chủ động đẩy mạnh liên kết, xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng chất lượng cao.
Được biết, đến nay có 734 dự án với tổng vốn gần 30 tỷ đô la Mỹ đầu tư trực tiếp nước ngoài vào toàn vùng./.