Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam chính thức lên sóng

(VOV5) - Ngày 6/1/2015, Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ chính thức lên sóng phục vụ đông đảo cử tri và nhân dân cả nước.

Những ngày này, tới thăm “đại bản doanh” của Kênh Truyền hình Quốc hội tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia (58 Quán Sứ- Hà Nội) mới cảm nhận hết không khí khẩn trương, tất bật của lãnh đạo cùng các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, MC của Kênh để chuẩn bị cho buổi lên sóng chính thức vào ngày 6/1 tới – dịp kỷ niệm ngày diễn ra cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cách đây 69 năm (6/1/1946).

Ưu tiên cho nguồn lực

Với vai trò quan trọng, là cơ quan ngôn luận chính thống của Quốc hội, cung cấp định hướng thông tin đại chúng về hoạt động của Quốc hội nói riêng và đời sống chính trị của đất nước nói chung, là diễn đàn đối thoại dân chủ, minh bạch của Quốc hội, Chính phủ và người dân, Đài Tiếng nói Việt Nam đã ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để triển khai xây dựng Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, công tác chuẩn bị đã được triển khai từng bước, cẩn trọng để chuẩn bị cho thời điểm chính thức lên sóng phục vụ cử tri và nhân dân cả nước.

Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam chính thức lên sóng - ảnh 1

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Đăng Tiến chúc mừng các phóng viên Kênh Truyền hình Quốc hội lên đường nhận nhiệm vụ (Ảnh: Kim Anh)


Theo đó, để đảm bảo nguồn nhân lực cho Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam vận hành, tháng 5/2014, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã chỉ đạo Ban Tổ chức cán bộ phối hợp với Kênh lựa chọn và điều động, luân chuyển hơn 90 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và quay phim có kinh nghiệm từ các đơn vị trong Đài và nhiều cán bộ từ ngoài Đài tập trung cho Kênh Truyền hình Quốc hội.

Kênh cũng đã tổ chức tuyển mới nhiều công chức, viên chức tại Hà Nội và 5 khu vực là Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Miền Trung và TP HCM. Đến nay, với lực lượng trên 220 người, Kênh Truyền hình Quốc hội có thể nói đã hội tụ lực lượng đông đảo những người làm báo trí tuệ, bản lĩnh, sẵn sàng tỏa đi muôn nơi để đem đến cho cử tri những thông tin thời sự nóng hổi nhất, đa chiều nhất về hoạt động của Quốc hội; cũng như phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cử tri trên toàn quốc.

Đi đôi với công tác “chiêu mộ” cán bộ, Kênh Truyền hình Quốc hội đã và đang tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ cho từng khối như: khối phóng viên, biên tập viên, khối kỹ thuật, quay phim và khối dẫn chương trình (MC)… với sự tham gia giảng dạy của những cán bộ uy tín, dày dặn kinh nghiệm như Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Vũ Văn Hiền, Phó Bí thư Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam – nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực truyền hình, truyền thông, các chuyên gia của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cũng giúp sức đào tạo các kỹ năng cơ bản và nâng cao cho các phóng viên, biên tập viên, MC của Kênh khi xử lý các tin tức liên quan đến hoạt động của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân các cấp. Đồng thời, lãnh đạo Kênh Truyền hình Quốc hội cũng tổ chức các khóa đào tạo về truyền hình trực tiếp, giúp các phóng viên, biên tập viên tiếp cận với trang thiết bị kỹ thuật truyền hình hiện đại và các phần mềm quản lý, xử lý tin tức tiên tiến; bảo đảm từng cá nhân có thể làm chủ công nghệ, tác nghiệp độc lập ở mọi điều kiện và môi trường; đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh, chuẩn xác mọi sự kiện liên quan đến Quốc hội cũng như các vấn đề kinh tế - xã hội tại khắp 63 tỉnh thành.

Những “đặc sản” của Truyền hình Quốc hội

Để Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam có thể phổ cập tới mọi người dân, bên cạnh việc phát sóng qua hệ thống truyền dẫn phát sóng analog hiện có, Kênh đã làm việc và ký hợp đồng truyền dẫn phát sóng với các đơn vị truyền dẫn như Truyền hình Cáp Việt Nam, Truyền hình vệ tinh K+, Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Truyền hình Cáp Saigontourist SCTV, Truyền hình MyTV, Đài Truyền hình TP HCM… để phát sóng Kênh trên hệ thống của các đơn vị này.

Trước khi lên sóng chính thức trên Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam vào ngày 6/1, từ tháng 10/2014, Kênh đã thực hiện sản xuất và phát sóng 5 giờ/ngày trên sóng của Kênh Truyền hình VOV, bao gồm các chương trình Thời sự và các bản tin – đều thực hiện và phát sóng trực tiếp. Kênh cũng liên tục sản xuất và phát sóng 15 chương trình chuyên biệt “chỉ có ở Kênh Truyền hình Quốc hội” như: Quốc hội với cử tri, Câu chuyện lập pháp, Người đại biểu dân cử, Chính sách và cuộc sống…

Bên cạnh đó, hàng loạt các chương trình Thời sự mới như Tòa soạn 0h, Mắt đêm, Thời tiết 63 tỉnh thành, Chiều Quê hương… được thực hiện với mức độ tương tác và trực tiếp cao, sử dụng công nghệ truyền hình hiện đại, kết nối camera giao thông ở 63 tỉnh thành hoặc kết nối trực tiếp từ trường quay với 2 đến 3 cầu tại các địa phương, do phóng viên của Kênh tại các tỉnh thành thực hiện. Để chuẩn bị phát sóng chính, thức Kênh Truyền hình Quốc hội cũng đã triển khai sản xuất các chương trình chuyên đề dự trữ như: Tình ca, Hồ sơ đại biểu, Bạn biết gì về Quốc hội, Câu chuyện lập pháp, Câu chuyện nông thôn…

Đầu tháng 12/2014, Kênh đã cử 65 phóng viên, biên tập viên tới 33 tỉnh thành trên toàn quốc để thực hiện nhiệm vụ đưa tin hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tại địa phương. Đến nay, mạng lưới thông tin của Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam đang được phủ rộng toàn quốc. Lượng tin tức về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh tại các tỉnh thành trong cả nước tương đối phong phú, đa dạng, với cách thức thể hiện sinh động, có tính tương tác cao.

Mọi thông đã và đang được chuyển tải về trường quay tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia một cách thông suốt, liên tục, nóng hổi, sẵn sàng cho những chương trình chính thức đầu tiên.

Trong năm 2015 này, những nhiệm vụ trọng tâm của Kênh Truyền hình Quốc hội là vận hành và cải tiến, nâng cao chất lượng nội dung các chương trình theo hướng mở và trực tiếp, phản ánh sinh động hơi thở của cuộc sống thông qua các chương trình có tính tương tác và trực tiếp cao; đáp ứng xu thế phát triển của báo chí hiện đại – hướng tới công chúng, lấy công chúng làm trung tâm. Các phóng viên sẽ bám sát cơ sở để đưa tới khán giả các chương trình truyền hình hấp dẫn nhất, sinh động nhất./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác