Không khí lễ, hội ngập tràn đất nước

(VOV5) - Sáng 5/2, tức ngày mùng 6 tháng Giêng, tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, diễn ra lễ khai hội chùa Bái Đính. Chùa Bái Đính nằm trên ngọn núi Đính ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ngôi chùa có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi này từng là nơi Vua Đinh Tiên Hoàng (người sáng lập ra Triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt, sinh năm 924, mất năm 979) lập đàn tế trời cầu cho mưa thuận, gió hòa. Vua Quang Trung (1753-1792) cũng chọn nơi đây để thực hiện nghi lễ tế cờ, động viên quân sỹ trước khi tiến ra Thăng Long đại phá quân Thanh xâm lược.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai hội và cùng với nhân dân, du khách tham gia nghi lễ thả chim phóng sinh, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mọi người có cuộc sống an lành, hạnh phúc. Lễ hội chùa Bái Đính năm nay kéo dài từ mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Trong những ngày lễ hội ngoài việc thưởng ngoạn cảnh quan chùa, khu du lịch sinh thái Tràng An khách thập phương còn được thưởng thức các tiết mục biểu diễn trống, biểu diễn chèo cổ, các tiết mục văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc của địa phương.

Không khí lễ, hội ngập tràn đất nước - ảnh 1
Tượng đài Thánh Gióng tại núi Sóc, xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: infonet)



Ngày 5/2 tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch, tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội, khai hội Chùa Hương 2014 và khai hội Đền Cổ Loa. Cùng ngày, tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội diễn ra lễ hội Đền Sóc. Lễ hội nhằm ngợi ca và tưởng nhớ Thánh Gióng - người anh hùng có công đánh đuổi giặc Ân dưới thời Hùng Vương dựng nước. Ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Ban quản lý di tích đến Sóc, xã Phù Ninh huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: Lễ hội đền Sóc năm nay vẫn gắn liền với truyền thuyết lịch sử và vẫn mang đậm tính chất của hội cầu mùa theo tín ngưởng dân gian phổ biến ở hầu  hết hội xuân vùng trung du Bắc Bộ: “Về phần hội năm nay có điểm mới là có tổ chức trống hội, hát dân ca sau khi phần lễ gồm hát dân ca cổ truyền, múa lân được tổ chức giữa các thôn làng. Năm nay, công tác tổ chức chính là do người dân tổ chức nên các hoạt động diễn ra theo đúng truyền thống và sẽ được tổ chức sớm hơn mọi năm, các năm trước lễ hội diễn ra lúc tám giờ sáng thì năm nay sẽ sớm hơn, bảy giờ đã bắt đầu lễ hội.”

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 5/2 cũng diễn ra Hội vật truyền thống làng Thủ Lễ. Tại Lăng Cô huyện Phú Lộc, diễn ra Lễ hội Cầu Ngư cùng các hoạt động quảng bá vịnh Lăng Cô, vịnh biển đẹp của thế giới./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác