(VOV5) - Sáng 20/8, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 và Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi. Qua 20 năm, chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, nhất là từ khi có Luật Bảo hiểm Y tế, công tác khám chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế ngày càng hiệu quả. Chính sách bảo hiểm y tế Việt Nam đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế…
|
Tuy nhiên, chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế còn nhiều hạn chế như: các văn bản hướng dẫn thi hành chậm tiến độ; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế chưa đồng đều; Tình trạng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt tuyến, trái tuyến ngày càng gia tăng, gây quá tải bệnh viện và giảm chất lượng phục vụ người bệnh. Bà Bùi Thị An, Đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng: “Công tác kiểm tra, đánh giá còn yếu nên vẫn còn xảy ra hiện tượng các cơ sở có các thiết bị chụp, chiếu nhưng các bệnh viện khác không công nhận kết quả xét nghiện nên gây tốn tiền cho nhân dân. Tôi cho rằng xã hội hóa là cần thiết nhưng cần kiểm tra, đôn đốc, đánh giá cho công khai, minh bạch cho đúng để phục vụ nhân dân, để tất cả bệnh viện có thể công nhận”.
Nhiều đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội cần tiếp tục định hướng bảo hiểm y tế toàn dân, chuyển từng bước chi ngân sách nhà nước cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về khám bệnh để sàng lọc, chuẩn đoán sớm một số bệnh được quỹ bảo hiểm y tế chi trả cũng như quy định danh mục thuốc, danh mục một số bệnh cần chữa trị dài ngày, quản lý chất lượng các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Chiều nay, hội nghị tiếp tục làm việc, cho ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.