QH thảo luận chế định Thừa phát lại; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

(VOV5) - Tiếp tục chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13, sáng 10/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. 


Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ…(tổng số 49 người). Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm,các ủy viên của Hội đồng, Ủy ban (tổng số 380 người). Các ý kiến cho rằng như thế là quá dàn trải, dẫn đến hình thức, trước mắt chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với một số người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy Nhà nước. Sau đó, sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, có thể mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. 



Bà Nguyễn Thị Khá, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, góp ý: “Việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là cơ sở cho việc đánh giá cán bộ, quy hoạch, đề bạt cán bộ. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải được công khai, minh bạch. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm thường xuyên cần thể hiện 3 đúng. Đó là đúng đối tượng, đúng quy trình và đúng chất lượng. Có như thế người đại biểu nhân dân mới làm tròn trách nhiệm của mình, người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân được nhân dân gửi gắm. Đó là lúc Nghị quyết đã đi vào cuộc sống.”

QH thảo luận chế định Thừa phát lại; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) phát biểu ý kiến (Ảnh: Interrnet)


Các đại biểu Quốc hội thống nhất cao việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm theo hình thức bỏ phiếu kín. Nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm chứ không cần đưa ra 4 mức đánh giá trong phiếu tín nhiệm là: cao, trung bình, thấp và không có ý kiến.


Chiều 10/11, Quốc hội thảo luận về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.


Chế định Thừa phát lại là một chế định pháp luật nhằm hỗ trợ cho các hoạt động tư pháp. Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm công việc thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng làm chứng cứ trong việc xét xử… Sau 2 năm triển khai thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, bước đầu đã khẳng định thành công của chế định Thừa phát lại, đem lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng việc đào tạo, bổ nhiệm, bồi dưỡng với những người làm công việc Thừa phát lại cần phải được chú trọng, có quy định chặt chẽ hơn để nâng cao chất lượng người làm công việc này.


Ông Bùi Văn Xuyền, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, nêu ý kiến: Tôi đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục kéo dài thí điểm chế định Thừa phát lại thêm 3 năm nữa cho đến ngày 31/12/2015 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và có mở rộng thêm một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để có cơ sở đánh giá toàn diện công việc này cho tốt hơn. Để thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian tới có hiệu quả, tôi đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn, đảm bảo về mặt pháp lý cho văn phòng Thừa phát lại, đồng thời cũng phải tương thích với văn phòng công chứng, văn phòng luật sư như các tổ chức bổ trợ tư pháp khác hiện đang hoạt động”.


QH thảo luận chế định Thừa phát lại; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm - ảnh 2
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) phát biểu ý kiến (Ảnh: interrnet)


Trước đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013. Theo đó, tổng thu ngân sách là 816.000 tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 978.000 tỷ đồng. Bội chi ngân sách 162.000 tỷ đồng (tương đương 4,8% GDP), ở mức Quốc hội cho phép. Chi đầu tư cho phát triển là 175.000 tỷ đồng, trái phiếu Chính phủ phát hành không quá 60.000 tỷ đồng./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác