Lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ- việc làm cần thiết

(VOV5)- Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn được thảo luận hôm nay tại kỳ họp thứ 4, QH khóa 13. Dư luận cử tri hoan nghênh Dự thảo Nghị quyết này và cho rằng  việc làm này thể hiện sự đổi mới trong công tác cán bộ.


Khi được hỏi về dự thảo Nghị quyết quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, hầu hết các cử tri đều cho rằng đó là việc làm cần thiết, thể hiện một bước đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của QH, Hội đồng nhân dân, đưa hoạt động của QH và Hội đồng nhân dân ngày càng thực chất và hiệu quả hơn.

Lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ- việc làm cần thiết - ảnh 1

Ông Trần Thanh Vân, cán bộ nghỉ hưu phường Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần đánh giá chính xác, hiệu quả hơn năng lực, trình độ của người giữ chức vụ, quyền hạn, kiện toàn lại đội ngũ lãnh đạo các cấp. Theo ông, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cần được niêm yết công khai: "Tôi rất ủng hột ủng hộ. Không những riêng tôi mà tôi thấy là nếu làm được việc này thì ai cũng ủng hộ. Nhưng mà làm thì bất kể cấp độ nào, đã ý kiến để bỏ phiếu tín nhiệm thì ở cấp nào cũng phải có sự niêm yết để cho người dân người ta biết uy tín, tín nhiệm của vị Hội đồng nhân dân này, cử tri bỏ phiếu cho họ thì uy tín của họ ra sao?"


Góp ý vào dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, cử tri cho rằng việc chia các mức khác nhau để đánh giá tín nhiệm người giữ chức vụ do QH bầu, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là phù hợp, thể hiện sự nghiêm túc, cần thiết đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, đồng thời tránh sự nhầm lẫn giữa việc lấy phiếu tín nhiệm với việc bỏ phiếu tín nhiệm.


Ông Nguyễn Trọng Dũng, chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Ba Đình, Hà nội cho rằng cần bỏ phiếu tín nhiệm ngay khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm thấp mà không cần chờ đến lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai.Tuy nhiên, cần tạo cho cán bộ có cơ hội để giải trình về những hạn chế, yếu kém: "Nếu khi chúng ta lấy phiếu tín nhiệm mà quá 50% thì tôi nghĩ là 1 năm, không cần phải 2 năm và sau khi lấy ý kiến thì chúng ta nên tính toán đến quy trình bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay nhưng trước khi bỏ phiếu tín nhiệm phải có báo cáo giải trình, giải thích của đại biểu, hoặc của người mà chúng ta bỏ phiếu tín nhiệm, để người ta có cơ hội giải trình, giải đáp và đương nhiên việc bỏ phiếu bất tín nhiệm này là một kênh thông tin rất quan trọng để công tác cán bộ của Đảng thực hiện các quy trình tiếp theo."


Ông Nguyễn Xuân Điệp, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà nội cho rằng cần cân nhắc quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ tịch các Ủy ban của QH vì quy định này rất khó thực hiện vì trên thực tế, nhiều cấp phó là đại biểu kiêm nhiệm. Riêng với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn, ông Nguyễn Xuân Điệp đề nghị thực hiện chặt chẽ hơn quy trình lấy phiếu tín nhiệm: "Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm là một bước quan trọng hơn lấy phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò ban đầu thôi, nhưng quy trình bỏ phiếu tín nhiệm là soạn thảo các bước đơn giản hơn quy trình lấy phiếu tín nhiệm. Theo tôi quy trình bỏ phiếu tín nhiệm phải chặt chẽ hơn quy trình lấy phiếu vì quy trình bỏ phiếu liên quan đến việc thể hiện rõ thái độ trách nhiệm của các vị đại biểu QH đối với các chức danh do QH bầu ra."


 Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn  là một bước cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, luật tổ chức QH, luật giám sát QH đồng thời cũng là việc làm cần thiết để triển khai có hiệu quả Nghị quyết TW 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng. Cử tri và nhân dân cả nước tin tưởng rằng sau khi được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn sẽ góp phần chuẩn hóa việc xây dựng, đánh giá chính xác năng lực của người giữ chức vụ, quyền hạn cũng như kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác